Những ngày này, không gian Khu di tích Tháp Bà Ponagar trở nên náo nhiệt, sôi động hơn. Trên các nẻo đường dẫn về tháp, cờ, hoa, băng rôn rực rỡ sắc màu càng làm tăng thêm không khí lễ hội. Diễn ra từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch (tức ngày 10 đến 13-4), lễ hội Tháp Bà năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, du khách gần xa.
Đối với người Chăm cổ xưa và ngày nay, vai trò của nữ thần Po Inư Nagar đặc biệt quan trọng và đó là biểu tượng người phụ nữ duy nhất được tôn thờ độc lập. Người dân Nha Trang tin Po Inư Nagar là vị thần đầy quyền năng, sáng tạo…Mẹ xứ sở không chỉ nâng đỡ người Chăm từ những bước đi đầu tiên thời lập quốc mà luôn luôn dẫn dắt đời sống tinh thần của từng gia đình cũng như cả cộng đồng. Tôn thờ mẫu hệ, mỗi làng Chăm đều có nơi thờ cúng Mẹ xứ sở, nhưng tháp Bà Ponagar ở khu du lịch Nha Trang là công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất do người Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ IX đến XIII chỉ để thờ cúng nữ thần Po Inưgar Nha Trang
Lễ hội Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang là sự kiện văn hóa tâm linh có quy mô lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với nhiều hoạt động như: lễ mộc dục, lễ tế sanh, lễ cầu quốc thái dân an, lễ tạ Mẫu, lễ cầu siêu, lễ thả hoa đăng. Cùng với đó là các hoạt động mang tính chất hội gồm múa bóng, múa Chăm, múa lân, hát văn, hát tuồng, thi rước nước, thi kết hoa và một số trò chơi dân gian. Mỗi dịp diễn ra lễ hội Tháp Bà cũng là dịp để mỗi người chúng ta cùng thành tâm hướng về đức Mẫu, về đấng sinh thành dưỡng dục. Để kịp về dâng Mẫu, từ nhiều ngày trước, hàng chục ngàn khách hành hương ở Khánh Hòa và các địa phương khác như Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Bình Thuận… đã có mặt ở Khu di tích Tháp Bà Ponagar. Vượt dặm đường xa về với lễ hội, mọi người tâm nguyện “về với Mẫu và thành kính dâng lên Mẫu những lễ vật giản dị để cầu mong Mẫu ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Về với Mẫu cũng là dịp để tưởng nhớ đến công đức của ông bà, cha mẹ” như lời chia sẻ của chị Đặng Thị Hương (dân tộc Chăm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận).
Từ sáng sớm, có mặt tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar, chúng tôi đã thấy có rất đông gia đình người Chăm từ Ninh Thuận bày biện lễ vật dưới chân các tháp để dâng hương lễ Mẫu. Đến với lễ hội Tháp Bà, người Chăm thường đi theo từng nhóm gia đình nhỏ, sinh sống trong một làng và tập hợp nhau lại để cùng về lễ Mẫu. Lễ vật của người Chăm chính là những sản vật do bàn tay họ trồng trọt, chăn nuôi, gói gọn trong đó những tình cảm chân thành và thiêng liêng nhất. “Người Chăm chúng tôi quan niệm về Mẫu rất gần gũi đối với cuộc sống dân làng, lễ vật dâng Mẫu vì thế cũng không cầu kỳ, chủ yếu là lòng thành”, cụ ông Lưu Nào (dân tộc Chăm, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) cho biết. Việc ngày càng có đông người Chăm về với lễ hội Tháp Bà Nha Trang chính là minh chứng sinh động cho việc lễ hội ngày càng đi sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân, thực sự trở thành lễ hội của nhân dân. Chỉ với một tour du lịch Nha Trang 4 ngày 3 đêm giá rẻ là bạn đã có cơ hội được chiêm ngưỡng một lễ hội cực kì độc đáo ở Nha Trang
Để đảm bảo cho lễ hội diễn ra trang nghiêm, an toàn, lành mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của các cấp quản lý, những ngày qua, công tác chuẩn bị phục vụ lễ hội được Ban tổ chức (BTC) quan tâm, chú trọng. Từ nguồn vận động tài trợ, BTC lễ hội đã tiếp nhận khoảng 1,5 tấn gạo, các loại thực phẩm rau, củ, quả, hàng trăm lít nước uống… Có khoảng 1.300m2 lán vòm được dựng trên sân tháp để phục vụ việc hành lễ của người dân. Cùng với đó là số lượng phòng trọ để phục vụ nhu cầu lưu trú của khách hành hương. Sân khấu chính của lễ hội cũng được thiết kế, lắp đặt kỳ công hơn. Nhằm hạn chế tối đa sự cố đáng tiếc có thể xảy ra trong những ngày lễ hội, BTC đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như ngành Y tế, Công an, bộ đội, chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn cho người dân và khách hành hương khi về dự hội. Trong khuôn viên Khu di tích, BTC đã niêm yết nhiều bảng thông báo về nội quy lễ hội, những nét chính về ý nghĩa lễ hội. Hệ thống phát thanh của Ban quản lý Khu di tích cũng thường xuyên phát lời cảnh báo đối với người dân và du khách tham gia lễ hội. Các đoàn khách hành hương cũng như người dân và du khách trước khi vào lễ Mẫu đều phải đăng ký cụ thể với BTC. Để tránh sự chen lấn, xô đẩy làm mất trật tự, văn minh trong lễ hội thì mỗi lượt vào lễ chỉ được tối đa 15 người.
Với quy mô của một lễ hội dân gian lớn nhất tỉnh, diễn ra hàng năm, lễ hội Tháp Bà là dịp để người dân thể hiện ước mong, tình cảm của mình đối với đấng tâm linh. Với sự chuẩn bị ngày càng chu đáo, lễ hội Tháp Bà đã và đang diễn ra với đúng tính chất của nó – rộn ràng, trang nghiêm, linh thiêng và hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực.
Chia sẻ của khách hàng về Lễ hội Tháp Bà Nha Trang