Hà Nội nghìn năm văn hiến mang trong mình một nét đẹp vừa cổ kính lại vừa nên thơ. Không khó để tìm thấy ở Hà Nội một không gian yên bình để các bạn có thể thư giãn, giải toả căng thẳng. Nằm ngay giữa trung tâm thành phố, vườn hoa Lý Thái Tổ luôn là địa điểm thu hút nhiều người đến vui chơi, giải trí và ngắm Hồ Hoàn Kiếm. Nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời của Thăng Long – Hà Nội.
Nội dung bài viết
Vị trí vườn hoa Lý Thái Tổ
Vườn hoa Lý Thái Tổ nằm ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm, giữa các phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Ngô Quyền. Vườn hoa có diện tích khoảng 12.153, 5m2, gồm nhiều cây xanh, tượng đài Lý Thái Tổ, nhà bát giác cùng khu vực vui chơi rộng rãi.
Vườn hoa Lý Thái Tổ là một phần đất của chùa Phổ Giác xưa kia. Sau khi đánh chiếm Hà Nội và được triều Nguyễn (1874) giao cho khu nhượng địa, người Pháp đã lên kế hoạch cải cách khu vực này. Cuối cùng, vào năm 1883, người Pháp quyết định di dời chùa Phổ Giác về khu vực cuối phố Ngô Sĩ Liên, nhường phần đất lại cho việc xây dựng Quảng trường (vườn hoa hiện nay), tòa đốc lý (bây giờ là vị trí trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố), kho bạc (hiện là Ngân hàng Công Thương), Dinh Thống sứ (Nhà khách Chính phủ) và Bưu điện ngày nay.
Quá trình xây dựng vườn hoa Lý Thái Tổ
Vào tháng 6/2002, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ đầu tư xây dựng tượng đài, phù điêu, cây cảnh, sân vườn,… ở vườn hoa Lý Thái Tổ. Đến tháng 12/2002, Thành phố tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài Lý Thái Tổ và cuối cùng chọn mẫu của tác giả Vi Thị Hoa. Ngày 17/08/2004, tượng đài vua Lý được khởi công, đến 7/10/2004 thì hoàn thành, vừa kịp lúc kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2004) và 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tượng vua Lý Thái Tổ được làm bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối, nặng 32 tấn (tượng 12 tấn, bệ 20 tấn), cao 10,1m (tượng cao 6,8 mét, bệ cao 3,3 mét). Tượng được đặt theo hướng nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Đây là một công trình kiến trúc nhằm thể hiện sự tôn vinh và biết ơn đối với Lý Thái Tổ – vị vua đã mở cuộc thiên đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mở ra một giai đoạn lịch sử mới cho dân tộc Việt Nam.
Trước khi có tên là Lý Thái Tổ (năm 2004), vườn hoa đã trải qua nhiều lần đổi tên. 1886, vườn hoa mang tên Tổng trú sứ Paul Bert. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Thị trưởng Trần Văn Lai cho hạ tượng Paul Bert và đặt tên là vườn hoa Chí Linh. Từ năm 1984 đến năm 2004, vườn hoa mang tên cố Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi.
>>> Xem thêm:
Không gian xanh bên trong vườn hoa Lý Thái Tổ
Với không gian thông thoáng, mát mẻ, Vườn hoa Lý Thái Tổ trở thành nơi dạo mát, thư giãn, giải trí của nhiều người dân Hà thành. Chính vì thế, nơi đây thường được chọn là địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa của Thủ Đô. Không chỉ có thế, người dân thành phố cũng rất yêu thích không gian xanh ở vườn hoa, thường xuyên ra đây để tập thể dục, trò chuyện, vui chơi,…
Trong vườn hoa có nhiều cây xanh, đặc biệt là các cây cổ thụ cao lớn, che rợp cả một khoảng sân. Chính vì vậy, nơi đây là địa điểm lý tưởng để những cụ già ngồi hóng mát, các đôi bạn trẻ đi dạo tâm sự hoặc các bạn nhỏ vui đùa. Vườn hoa Lý Thái Tổ như một công viên thu nhỏ khi mỗi chiều về, với nhiều hoạt động vô cùng sôi nổi như đạp xe ba bánh, xe ô tô điện, trượt ván, patin, tụ tập nhảy hiphop….
Nhờ nằm gần Hồ Gươm, vườn hoa luôn đón những làn gió mát lạnh, tạo nên không khí trong lành, dễ chịu. Đối với người dân Thủ Đô, vườn hoa không chỉ là một điểm tụ họp vui chơi mà còn lưu giữ những giai thoại lịch sử hào hùng của dân tộc. Một lần đến với Hà Nội, nếu có dịp, bạn nên ghé qua vườn hoa Lý Thái Tổ để cảm nhận nhịp sống nhẹ nhàng, yên bình của một thoáng thủ đô.
Chia sẻ của khách hàng về Vườn hoa Lý Thái Tổ yên bình giữa lòng Thủ đô