Đối với mỗi người dân đất Việt cũng như du khách quốc tế khi đặt chân đến mảnh đất Hà Giang quả là thiếu sót lớn khi chưa ghé thăm Cột cờ Lũng Cú – nơi chứng nhân lịch sử. Bài viết dưới đây, du lịch Khát Vọng Việt sẽ giới thiệu đến bạn Cột cờ Lũng Cú – biểu tượng thiêng liêng của Tổ Quốc.
Nội dung bài viết
Cột cờ Lũng Cú nằm ở đâu?
Cột cờ Lũng Cú là cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú, hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn). Cột cờ có độ cao 1.470m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Lũng Cú là tên gọi của cột cờ Lũng Cú – tượng trưng cho cột mốc cực Bắc của Tổ Quốc với vĩ độ 23 độ 23’B thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và cũng đồng thời là tên của một xã thuộc huyện Đồng Văn. Cột cờ Lũng Cú nằm cách điểm cực Bắc khoảng 2 km.
> Xem thêm:
Từ Thành phố Hà Giang đi theo quốc lộ 4C ngược lên phía Đông Bắc khoảng 150km là đến với huyện Đồng Văn, nếu đi bằng xe máy mất khoảng 4 tiếng đồng hồ. Sau đó tiếp tục đi theo con đường trải nhựa nối hai xã Lũng Cú – Đồng Văn khoảng 40 km là đến với đỉnh Lũng Cú.
Đặc điểm của cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú là di tích lịch sử cấp quốc gia và cũng là điểm đến nổi tiếng thu hút du khách ghé thăm. Cột cờ được xây dựng theo mô hình của cột cờ Hà Nội nhưng kích thước nhỏ hơn. Cột cờ mới hiện nay được thiết kế theo hình bát giác, có độ cao trên 33,15 m; chân cột cao 20,25m; đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Dưới chân cột cờ được gắn 8 tấm phù điêu đá tượng trưng cho các giai đoạn lịch sử của đất nước cũng như phong tục truyền thống của người Hà Giang. Phía trên là tấm phù điêu 8 mặt trống đồng – biểu tượng đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú là địa điểm linh thiêng có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng và cột cờ mới được khánh thành vào ngày 2 tháng 9 năm 2010. Để lên đến cột cờ Lũng Cú, du khách phải vượt qua 839 bậc thang, chia làm 3 chặng. Chặng đầu tiên dài 425 bậc kéo dài từ dưới chân núi lên khu vực nhà chờ. Chặng thứ 2 gồm 279 bậc từ khu vực nhà chờ lên đến chân cột cờ và chặng thứ 3 từ chân cột cờ lên tới đỉnh cột cờ với 135 bậc.Bên cạnh đó, nơi đây cũng được cho xây dựng một lối đi mới để du khách đi xuống với 839 bậc đá. Trên đường đến với cột cờ Lũng Cú du khách sẽ bắt gặp nhiều hóa thạch của Bọ ba thùy – loài cổ sinh nay đã tuyệt diệt.
Trong lòng cột cờ còn có một cầu thang xoắn ốc với 140 bậc để đến với đỉnh cột cờ. Trên đỉnh cột cờ là lá quốc kì Việt Nam với cán cờ cao 12,9m và lá cờ có tổng diện tích 54 mét vuông tượng trưng cho 54 dân tộc ở Việt Nam. Đến đây, khi chạm tay vào lá quốc kì du khách sẽ cảm thấy niềm tự hào dân tộc, cảm xúc thiêng liêng.
Đứng trên cột cờ Lũng Cú, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh cao nguyên đá Đồng Văn, bản làng Lô Lô Chải và Thèn Pả, những thửa ruộng bậc thang mênh mông. Du khách có thể quan sát thấy địa hình các chóp nón từ các lớp đá vôi và ở phía đông bắc, tây nam có hai hồ nước đối xứng nhau. Nằm trên độ cao 1500m so với mực nước biển nhưng hai hồ nước này không bao giờ cạn, chính vì vậy nơi đây được mệnh danh là Mắt Rồng, là nguồn nước chính cho dân bản Lô Lô và người Mông sử dụng. Theo các nhà khoa học thì hai hồ nước này thực chất là hai hố sụt karst cổ hiện đã ngưng hoạt động và được bịt kín bởi sét là sản phẩm phong hóa của đá vôi.
Bạn có thể tham khảo lịch trình tour đi Hà Giang:
Cột cờ Lũng Cú gắn liền với những dấu ấn lịch sử
Cột cờ Lũng Cú là một điểm trên đoạn biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Cột cờ được xây dựng đầu tiên vào thời Lý Thường Kiệt và bằng cây sa mộc. Đến thời Pháp thuộc năm 1887 cột được xây dựng lại. Sau đó vào các năm 1992, 2000 và 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu, trong đó riêng năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột hình lục lăng, dưới chân cột là 6 bức phù điêu họa tiết trống đồng. Sau đó đến ngày 8-3-2010, chào mừng kỉ niệm “Ngàn năm Thăng Long”, ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn đã cho tiến hành khởi công trùng tu và đến ngày 2-9-2010 đã hoàn thành.
Hiện nay, việc bảo vệ lá cờ được giao cho đồn Biên phòng Lũng Cú, cách cột cờ nửa cây số. Tại địa điểm dựng đồn biên phòng này, từ thời Tây Sơn Quang Trung đã cho đặt chiếc trống đồng rất lớn tại đây. Cứ mỗi canh giờ thì tiếng trống lại vang lên khẳng định chủ quyền đất nước. Theo định kì một tuần hoặc 10 ngày thì lá cờ được thay một lần. Ngoài việc bảo vệ lá cờ thì nhiệm vụ chính của đồn Biên phòng Lũng Cú là bảo vệ 25,5 km đường biên giới Lũng Cú giáp với Trung Quốc.
Cột cờ Lũng Cú Hà Giang trở thành biểu tượng của quốc gia, của điểm cực Bắc nơi địa đầu Tổ quốc. Nếu có dịp đến với Hà Giang bạn đừng bỏ qua địa điểm thiêng liêng này nhé. Chúc bạn có một chuyến du lịch vui vẻ và đáng nhớ bên bạn bè và người thân yêu.
Chia sẻ của khách hàng về Cột cờ Lũng Cú – nơi linh thiêng chứng nhân lịch sử