Làng cổ Đường Lâm chắc chắn không còn là cái tên xa lạ với nhiều người, nhất là với những người yêu thích khám phá và tìm tòi những giá trị cổ kính, nguyên sơ ở khắp mọi miền. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ đưa bạn đi khám phá ngôi làng Đường Lâm xem ở đây có điều gì thú vị mà lại thu hút du khách đến như vậy.
Nội dung bài viết
Giới thiệu về làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm là một ngôi làng thuộc địa phận của huyện Sơn Tây, thành phố Hà Nội, nơi đây cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 44km về phía tây. Làng Đường Lâm chính là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên nơi đây còn được gọi với cái tên khác là “đất hai vua”. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, có cổng làng, cây đa, bến nước, có sân đình,…với 956 ngôi nhà truyền thống.
Tuy được gọi là làng cổ nhưng thực ra làng Đường Lâm từ trước đến nay vẫn gồm 9 làng thuộc vào tổng Cam Giá Thịnh của huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây. Trong đó có 5 làng là Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm nằm liền kề với nhau. Các làng này luôn gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với những phong tục, tập quán và tín ngưỡng qua bao năm vẫn không hề thay đổi. Vào năm 2006, làng Đường Lâm đã trở thành ngôi làng cổ đầu tiên ở nước ta và được Nhà nước trao tặng bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Đi làng cổ Đường Lâm thời gian nào?
Làng cổ Đường Lâm lưu giữ trọn vẹn hình ảnh làng quê Việt Nam với cây đa, bến nước, sân đình. Ghé thăm nơi đây du khách được trải nghiệm, tìm về văn hóa độc đáo của người Việt xưa. Du khách đến với Đường Lâm thời gian nào cũng tạo nên dấy ấn độc đáo. Tuy nhiên nếu là người đam mê khám phá, yêu thích cái hoạt động gắn kết cộng đồng thì có thể lựa chọn đến Đường Lâm vào thời điểm dưới đây:
Mùa lễ hội
Ở làng Đường Lâm, lễ hội sẽ thường diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hàng năm; lễ hội có tính linh thiêng nhất chính là lễ hội làng Mông Phụ diễn ra vào mùng 4 đến mùng 10 âm lịch. Lễ hội truyền thống của làng sẽ được tổ chức ngay tại ngôi đình cổ nhất của làng với các hoạt động truyền thống như rước kiệu, tế thánh, dâng lợn, dâng gà,… và cũng có các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt vịt, đi cầu khỉ,… Đến làng cổ Đường Lâm vào thời gian này ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi làng bạn còn được hòa mình vào không khí lễ hội vui tươi, sôi động, được thử sức với nhiều trò chơi khác nhau, rất tuyệt vời đó.
Mùa lúa chín
Mùa lúa chín sẽ rơi vào tầm tháng 5 đến tháng 6 hàng năm, lúc này những cánh đồng lúa đã bắt đầu vào độ chín rộ, tạo nên một khung cảnh rất độc đáo ở làng Đường Lâm. Vào mùa này du khách cũng kéo đến đây rất đông, gần như là thời gian đông nhất trong năm. Những con đường ở trong làng Đường Lâm mùa này đều trải đầy thóc và rơm khô, tạo nên một khung cảnh làng quê ấm no, yên bình, giúp du khách thấy trong lòng tĩnh lặng, vui vẻ hơn.
Ngoài ra, nếu không thể đến làng Đường Lâm vào thời gian trên thì bạn cũng có thể đến đay tham quan vào bất kỳ lúc nào, dù ở thời điểm nào làng Đường Lâm vẫn rất đẹp, rất cổ kính và yên bình.
Di chuyển đến làng cổ Đường Lâm
Để di chuyển tới làng cổ Đường Lâm không phải là một chuyện khó, có rất nhiều cách để bạn đến được làng cổ. Nếu như bạn là một người thích cảm giác tự do và thông thạo đường đi thì có thể tự mình di chuyển đến Đường Lâm để tham quan cùng gia đình, bạn bè. Còn nếu bạn ở gần nhưng lại không muốn tự di chuyển thì có thể bắt xe bus với nhiều tuyến xe chạy qua Đường Lâm. Đến Đường Lâm bạn có thể gửi xe và thuê xe đạp để khám phá mọi ngóc ngách, cung đường trong làng. Hiện tại giá thuê xe đạp khoảng 30.000 – 50.000đồng/ giờ hoặc 80.000 – 100.000đồng/ ngày.
Đi xe bus
Nếu bạn không biết đường đến làng cổ hoặc không tự tin với khả năng cầm lái thì xe bus chính là phương tiện hữu ích nhất. Đến Đường Lâm bạn có thể lựa chọn các tuyến xe bus với điểm đến là bến xe Sơn Tây. Khi đến bến xe Sơn Tây du khách có thể thuê phương tiện xe máy hoặc taxi để tiếp tục di chuyển đến làng cổ.
- Xe buýt tuyến số 77 (Hà Đông – Sơn Tây)
- Tuyến 70 (Kim Mã – Sơn Tây)
- Tuyến 71 (Mỹ Đình – Sơn Tây)
Đi xe khách
Xe khách là một lựa chọn không phải không hợp lý khi muốn đi từ Hà Nội tới Đường Lâm. Hành khách có thể bắt xe khách tuyến Mỹ Đình – Phú Thọ với lộ trình di chuyển thuận tiện đến Đường Lâm. Đặc biệt tuyến xe này có nhiều chuyến liên tục chỉ cách 1 tiếng 15 phút thuận tiện trong việc di chuyển.
Xem thêm bài viết khác:
Phương tiện tự túc
Nếu tự tin với khả năng cầm lái và có phương tiện riêng thì du khách có thể đến Đường Lâm bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân. Khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 cung đường dưới đây:
-
Từ trung tâm Hà Nội đi theo Đại lộ Thăng Long rồi rẽ phải ở ngã ba Hòa Lạc. Tiếp theo bạn đi theo đường 21 qua Sơn Lộc đến ngã tư đường 32 rồi đi theo bảng chỉ dẫn vào Đường Lâm.
-
Từ trung tâm Hà Nội bạn đi theo đường 32 lên thị xã Sơn Tây. Tiếp tục đi trên đường 21 và tìm tới ngã tư phía bên tay trái để đi tới cổng làng Đường Lâm
Du lịch làng cổ Đường Lâm
Lăng và đền thờ 2 vị vua Ngô Quyền – Phùng Hưng
Đền thờ vua Phùng Hưng được lập ở khá nhiều nơi nhưng đền thờ ở làng cổ Đường Lâm vẫn là ngôi đền có quy mô lớn nhất so với những nơi thờ tự khác. Với lối kiến trúc độc đáo bao gồm có Tả – Hữu Mạc, Đại Bái và có cả Hậu Cung, vừa linh thiêng lại vừa toát lên được sự uy nghi, trang trọng.
Cách đền thờ vua Phùng Hưng khoảng 500m là lăng của vua Ngô Quyền, nơi đây được xây dựng ở trên khu đồi Cấm, phía trước là một cánh đồng lúa rộng mênh mông và có vũng Hùm chảy ra con sông Tích. Đền thờ gồm có nơi thờ tự, đại bái, hậu cung, nhà bia, ở phía dưới, cách đền thờ khoảng 100m là lăng của vua Ngô được xây theo hình bốn mái trên bệ cao, có tường cao bao quanh. Nếu đến Đường Lâm bạn nhất định phải ghé đến đây để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ, trang nghiêm ở nơi đây.
Giếng cổ Đường Lâm
Chắc chắn đến làng cổ Đường Lâm bạn sẽ được giới thiệu đến tham quan những chiếc giếng cổ ở đây. Thời gian trước đây, giếng làng thường là nơi người dân ra lấy nước để phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày. Các giếng cổ ở trong làng đều được đặt những ở nơi cao, thoáng mát, sẽ đặt ở gần đình, chùa hoặc ở trung tâm của xóm để thuận tiện cho việc sử dụng, tham quan.
Cổng làng Mông Phụ
Địa điểm tiếp theo mà bạn nên ghé đến chính là cổng làng Mông Phụ, đây là cổng làng cổ duy nhất còn tồn tại cho đến ngày hôm nay ở làng Đường Lâm. Cổng làng được xây dựng từ thời Hậu Lê, có lối kiến trúc rất khác biệt so với những cổng làng truyền thống khác, nhìn từ xa cổng làng tựa như một ngôi nhà có hai mái dốc xuống, có trụ đỡ mái và đầu nóc xây dựng theo kiểu “thượng gia hạ môn” (bên trên là nhà, bên dưới là cổng). Cổng làng Mông Phụ cùng tồn tại với cây đa, với bến nước, ao sen đã tạo nên một khung cảnh rất mộc mạc, rất bình yên, đặc trưng của làng quê Bắc Bộ thời xưa.
Ngôi nhà cổ
Đến làng Đường Lâm mà lại bỏ qua các ngôi nhà cổ trong làng thì quả là một thiếu sót cho chuyến đi của bạn. Ở làng Đường Lâm hiện vẫn còn giữ được 956 ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều ngôi nhà đã được xây dựng từ những năm 1649, 1703, 1850,… Những ngôi nhà cổ này đều được làm từ các vật liệu truyền thống như: đá ong, gỗ xoan, tre, gạch đất nung, ngói,…
Cổng của mỗi ngôi nhà đều mang đậm nét cổ xưa, không nơi nào có thể có được những kiệt tác này, bên trong mỗi ngôi nhà đều có những chạm khắc hoa văn cổ xưa, với lối kiến trúc 5 gian hoặc 7 gian, rất rộng rãi. Chắc chắn khi vừa đặt chân đến làng cổ Đường Lâm bạn sẽ bị choáng ngợp trước những ngôi nhà cổ kính, vừa đẹp vừa mang hơi thở của quá khứ.
Đình làng Mông Phụ
Đình làng Mông Phụ được xây dựng cách gần 380 năm, nằm trên khu đất trung tâm của làng, rộng khoảng 1800m2. Đình gồm hai tòa đại bái và hậu cung, được thiết kế mang đậm phong cách của người Việt – Mường. Khu nhà đại bái được dựng lên với 48 cột gỗ, phía trên mỗi cột đều có chạm khắc nhiều nét hoa văn hình rồng, hình phượng. Ở phía bên trong đình còn treo rất nhiều hoành phi câu đối với nhiều ý nghĩa khác nhau, ngôi đình này hiện vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc về kiến trúc và văn hóa, luôn là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách.
Ăn gì khi đến làng cổ Đường Lâm?
Chè lam
Món ăn tiếp theo mà bạn nên thử khi đến Đường Lâm tham quan đó chính là chè lam, đây là một món ăn vặt mang đậm hương vị truyền thống, rất phù hợp để ăn vào những ngày thời tiết se se lạnh. Để tạo nên miếng bánh chè lam chất lượng đòi hỏi khâu chọn nguyên liệu và chế biến cần đảm bảo sự cẩn trọng. Chè lam có ngon hay không chính là ở phần pha nước gừng và đường để đạt được tỷ lệ đúng chuẩn nhất. Khi hòa trộn các nguyên liệu vào sẽ tạo ra được một món chè thơm ngon, độc đáo, mang chuẩn vị làng Đường Lâm. Khi thưởng thức chè lam du khách đừng quên uống kèm với chén trà nóng để cảm nhận rõ nét hương vị độc đáo ấy.
Gà mía
Đến làng cổ Đường Lâm chắc chắn bạn phải thưởng thức món gà mía thơm ngon nức tiếng, hiếm nơi nào có được vị ngon đặc trưng như ở Đường Lâm này. Đây không chỉ là một sản vật quý mà còn là một món ăn đặc sản từng chỉ dành riêng cho vua chúa thưởng thức.
Loại gà này sẽ được nuôi lớn bằng ngô, thóc, sắn, gà sẽ có dáng nhỏ hơn loại gà bình thường, da gà màu đỏ au và khi gà nặng tầm 2kg thì da gà sẽ chuyển sang màu vàng ươm. Gà mía tuy không còn quý hiếm như xưa nhưng không hiểu vì lí do gì mà gà mía ở Đường Lâm vẫn mang một hương vị gì đó rất riêng, vừa thơm ngon lại vừa mang đậm nét truyền thống từ xưa đến nay.
Thịt quay đòn
Thịt quay chắc chắn bạn đã thưởng thức qua rất nhiều lần nhưng nếu có cơ hội đến làng cổ Đường Lâm vào buổi sáng sớm thì bạn hãy ghé mua thử món thịt quay đòn ở nơi đây. Nguyên liệu chính của món ăn này chính là thịt lợn ba chỉ với lớp da dày, được ướp cùng hạt tiêu, nước mắm và không thể nào bỏ qua được lá ổi thái nhỏ, tạo hương vị riêng cho thịt quay. Miếng thịt to được tẩm ướp gia vị vừa đủ rồi đem quấn lên đòn tre và được quay đều trong lò than hoa khoảng 6 tiếng đồng hồ. Thành phẩm sau khi quay xong sẽ là những miếng thịt vàng ruộm với phần bì giòn tan cùng hương thơm của tiêu bắc, của lá ổi, thực khách ăn một lần là sẽ nhớ mãi hương vị này.
Ngoài ra khi đến làng Đường Lâm bạn cũng có thể thưởng thức thêm một vài món ăn khác hoặc có thể mua về làm quà như: bánh tẻ, kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng, tương chấm,… tất cả đều được những bàn tay của người dân nơi đây chế biến ra, thực sự rất đáng để bạn thử đó.
Lưu ý khi đến làng cổ Đường Lâm
Hành trình đến với Đường Lâm là hành trình tìm về với cội nguồn với nét đẹp văn hóa không thể nào quên. Để có những trải nghiệm ý nghĩa du khách đừng quên những điều dưới đây nhé:
- Lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp khi đến làng cổ: bạn chỉ nên di chuyển bằng ô tô đến cổng làng và sử dụng xe máy hoặc xe đạp để thuận tiện khám phá mọi không gian trong ngôi làng.
- Khi ghé thăm các di tích văn hóa, địa điểm tâm linh trong làng nên lựa chọn trang phục lịch sự và chấp hành nghiêm các quy định tại địa điểm đó.
- Cần tôn trọng tín ngưỡng, hòa nhập với nếp sống của người dân địa phương khi đến làng cổ.
- Khi muốn mua bánh kẹo về làm quà bạn có thể đến trực tiếp nhà sản xuất để mua được sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý.
- Nếu lựa chọn dịch vụ như đặt đồ ăn trưa, homestay nên liên hệ từ trước để tránh tình trạng quá bữa. Bởi các gia đình ở đây khi bạn đặt họ mới tiến hành làm cơm nên sẽ không có đồ ăn để bạn thưởng thức ngay.
Trên đây là một vài thông tin có liên quan đến ngôi làng cổ Đường Lâm mà chúng tôi đã tổng hợp lại và gửi tới bạn đọc. Nét đẹp văn hóa của người Việt xưa được lưu giữ trọn vẹn trong từng đường nét kiến trúc, nếp sống sinh hoạt và ẩm thực độc đáo. Hy vọng rằng hành trình đến với Đường Lâm là chuyến đi trọn vẹn mang đến cho du khách nhiều sự mới lạ, cảm xúc không thể nào quên.
Chia sẻ của khách hàng về Làng cổ Đường Lâm ở đâu? Làng cổ Đường Lâm có gì độc đáo?