Du lịch Hà Giang giá rẻ không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ hùng vĩ của núi rừng, những con đường quanh co uốn lượn mà còn bởi những sắc hoa lung linh: sắc vàng của hoa cải, sắc tím của tam giác mạch, sắc trắng của hoa mận,….Đặc biệt, mỗi mùa tam giác mạch cao nguyên đá này lại thu hút không biết bao nhiêu du khách đến đây, nhất là các bạn trẻ thích phượt. Hãy đọc bài viết dưới đây để trang bị thêm cho mình những kinh nghiệm hữu ích để phượt Hà Giang mùa tam giác mạch nhé.
Nội dung bài viết
Giới thiệu về hoa tam giác mạch Hà Giang
Theo wikipedia, Tam Giác Mạch còn có tên khách là: lúa mạch đen, kiều mạch, mạch ba góc, sèo. Tam giác mạch – loài hoa có cái tên kỳ lạ gắn với một sự tích cũng lạ kỳ không kém. Vì thuộc họ nhà lúa, nên được gọi là mạch, lá có hình tam giác, cho nên cái tên “tam giác mạch” có lẽ ra đời từ nguyên do đó.
Vốn không ưa nước nên hoa tam giác mạch thường thích hợp với vùng cao nguyên đất cằn sỏi đá, và chỉ trồng vào tiết thu với gian sinh trưởng tính từ lúc gieo hạt đến khi kết quả thu hoạch khoảng 3 tháng. Theo người dân ở Hà Giang, cứ sau mùa lúa nương thu hoạch, họ sẽ bắt đầu gieo hạt tam giác mạch, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch. Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau, hạt sau khi thu hoạch có thể xay thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên một thứ rượu có hương vị thật đặc biệt hay dùng để làm bánh.
Một vài năm gần đây, tam giác mạch trở thành một “đặc sản” của vùng địa đầu Tổ quốc, thu hút các du khách khắp nơi về Hà Giang tham quan. Các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây nếu muốn phượt Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch.
Kinh nghiệm phượt Hà Giang mùa hoa tam giác mạch
1. Thời gian ngắm hoa tam giác mạch
Để chiêm ngưỡng vườn tam giác mạch ở Hà Giang, du khách nên đi từ khoảng tháng 10 đến hết tháng 12. Tuy nhiên, cuối tháng 10, đầu tháng 11 là thời gian hoa tam giác mạch nở rộ và diễn ra những chương trình hấp dẫn, nên bạn hãy sắp xếp thời gian để có thể khám phá những nét đẹp nhất của Hà Giang mùa tam giác mạch. Chỉ cần khoảng 3 ngày là du khách đã có thể khám phá được rất nhiều địa điểm du lịch đẹp và đầy hấp dẫn của nơi đây.
2. Phương tiện phượt Hà Giang
Đi phượt thì phương tiện thích hợp nhất vẫn là xe máy bởi nếu đi oto bạn sẽ không thể chiêm ngưỡng được hết cảnh đẹp của cao nguyên này, đồng thời có một số đoạn đường nếu đi bằng oto sẽ rất khó khăn.
Đối với những ai sức khỏe không tốt thì nên đi xe khách để đến Hà Giang rồi thuê xe máy để đi thăm các điểm du lịch hấp dẫn tại đó.
- Hướng dẫn đường đi
Nếu đi từ Hà Nội, bạn có thể lựa chọn đi theo 1 trong 2 cung đường sau:
Cung 1: Hà Nội – Sơn Tây (đi theo đường 21 ở Cổ Nhuế) – cầu Trung Hà – Cổ Tiết – cầu Phong Châu (qua cầu rẽ trái) – men theo sông Thao đến thị xã Phú Thọ – Đoan Hùng sau đó rẽ đi Tuyên Quang theo quốc lộ 2 là đến Hà Giang (đoạn đường có chiều dài khoảng 300 km).
Cung 2: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ – Tuyên Quang – Hà Giang (đoạn đường dài khoảng 280 km).
- Một số địa điểm thuê xe máy tại Hà Giang
– Dịch vụ cho thuê xe máy Hồng Đào
ĐT: 0165.398.2928 hoặc 0915.842.019
Địa chỉ: số 10, phố phạm Hồng Thái, tổ 17, phường Minh Khai, TP Hà Giang (Gần trường cấp 2 Minh Khai)
– Dịch vụ cho thuê xe máy Bẩy
Địa chỉ: Số 47, Đường Lý Thường Kiệt – Tổ 15, Phường Trần Phú, Tp Hà Giang
Số liên hệ: 0986.030.405 – 0915.273.882 – 0125.515.5568
– Dịch vụ cho thuê xe máy Bảo Thanh
Địa chỉ: Số 31, Đường Nguyễn Thái Học – Tp Hà Giang
Anh Nam: 0917.797.269 hoặc 0978.159.123
– Dịch vụ cho thuê xe máy Tuấn Anh
Số liên hệ: 0906.175.336
– Dịch vụ cho thuê xe máy Giang Sơn
Địa chỉ: số 170 , đường Trần Hưng Đạo,Tp.Hà Giang
Số liên hệ: 0988. 470.863 or 0962.761.081
3. Ăn, nghỉ tại Hà Giang
Nghỉ ngơi: Tại Hà Giang, Quản Bạ, Yên Minh hay Đồng Văn đều có rất nhiều nhà nghỉ bình dân để bạn lựa chọn. Còn nếu muốn tiết kiệm chi phí hơn nữa mà vẫn có được những trải nghiệm tuyệt vời về cuộc sống nơi đây, bạn có thể tìm đến các hộ gia đình làm dịch vụ homestay với giá khá rẻ chỉ với 50.000 – 70.000 đồng/ người.
Ăn uống: Giống như nhiều nơi khác, Hà Giang cũng có những món ăn đặc trưng của nơi đây như bánh cuốn trứng, cháo ấu tẩu, rượu ngô, xôi ngũ sắc,….Đặc biệt, thời tiết Hà Giang mùa hoa tam giác mạch đã khá lạnh nên bạn không nên bỏ qua món cháo ấu tẩu cùng rượu ngô thơm nồng. Chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng đâu!
4. Những điểm ngắm hoa tam giác mạch
Du lịch Hà Giang, có rất nhiều địa điểm để bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa tam giác mạch, nhưng 5 điểm dưới đây là đẹp và nhiều hoa nhất
- Sủng Là: đây được coi là điểm ngắm tam giác mạch đẹp nhất tại Hà Giang với những thảm hoa tuyệt đẹp, những cánh hoa phơn phớt tím hồng. Một điểm đặc biệt là khi tới Sủng Là bạn còn có cơ hội ghé thăm ngôi nhà Cổ của người H’mông với tường trình bằng đất – nơi đã được sử dụng làm bối cảnh để quay bộ phim nhựa “Chuyện của Pao” hay tham gia phiên chợ Sủng Là vào sáng chủ nhật cùng bà con dân tộc Mông, Lô Lô.
- Bản Phó Bảng: một ngôi làng cổ có tuổi đời hơm 100 năm với những ngôi nhà mái âm dương đặc trưng của người Hoa. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp xao xuyến mà còn hấp dẫn du khách bởi những vườn hoa hồng đủ màu sắc được trồng ngoài thung lũng.
- Lũng Cú: ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú và đường lên Lũng Cú có rất nhiều cánh đồng trồng hoa tam giác mạch để du khách thỏa sức chiêm ngưỡng và bắt những khung hình ấn tượng nhất.
- Lũng Táo: không chỉ có những dãy núi hùng vĩ trùng điệp mà còn khiến du khách ngẩn ngơ bởi vẻ đẹp của những cánh đồng tam giác mạch được trồng bên sườn đồi. Tuy nhiên, du khách phải leo lên điểm rất cao nếu muốn được chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp nhất.
- Phố Cáo: Chỉ cần chịu khó đi sâu vào bên trong, khu vực gần sát vách núi nơi đây cũng có lác đác những thảm hoa tam giác mạch tuyệt đẹp.
5. Gợi ý lịch trình du lịch Hà Giang 3 ngày 2 đêm
Ngày 01: Xuất phát từ Hà Nội vào buổi sáng, tới Hà Giang vào lúc chiều tối. Bạn có thể nghỉ đêm ngay tại thành phố, hoặc lựa chọn đi tiếp tới Quản Bạ hay Yên Minh để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nghỉ tại Hà Giang là hợp lý nhất để đảm bảo sức khỏe, sau quãng đường 300 km. Buổi tối, bạn có thể đi dạo một vòng thành phố, ăn uống và nghỉ ngơi giữ sức cho hành trình tiếp theo
Ngày 02: Nên dậy sớm trả phòng để có thể đi được nhiều hơn, kiểm tra lại xe máy, đổ đầy bình xăng và mua thêm 1 chai 1,5 lít để dự phòng. Dậy sớm trả phòng (dậy sớm để đi được nhiều nơi hơn). Đổ đầy bình xăng + mua 1 chai 1,5l xăng dự phòng. Tiến thẳng tới Quản Bạ (40km). Đi qua thành phốkhoảng 10-15km đường lên Quản Bạ bắt đầu đẹp hơn, những con đèo uốn lượn quanh sườn đồi, những dãy núi xa ẩn hiện trong mây trắng bồng bềnh. Càng lên cao khung cảnh càng đẹp.
Tới gần thị trấnTam Sơn bạn có thể ghé qua cổng trời Quản Bạ để ngắm cảnh, chụp ảnh. Cách đó một đoạn ngắn là tháp nhìn xuống Núi Đôi Cô Tiên. Tuy nhiên, tháp này phải leo bộ bậc thang và góc nhìn – góc chụp bị vướng nên ban có thể bỏ qua để đi tiếp đến khúc cua ngay dưới chân thấp, vẫn ngắm được núi đôi mà quang cảnh xung quanh thoáng đãng, đẹp hơn.
Từ Quản Bạ đên Yên Minh khoảng 60km. Đoạn gần tới Yên Minh có rất nhiều cảnh đẹp, đặc biệt là đoạn rừng thông Yên Minh. Hai bên đường là những cây thông che phủ, tạo cảm giác giống như đang đi trong rừng thông ở Đà Lạt vậy. Bạn có thể dừng ở đây cắm trại và ăn trưa luôn.
Đến Yên Minh, có 2 đường rẽ đi Đồng Văn hoặc Mèo Vạc. Bạn nên rẽ hướng đi Đồng Văn. Qua Yên Minh một đoạn là bạn đặt chân tới đất Đồng Văn rồi. Sau đó, đi thêm một đoạn sẽ tới một con đèo quanh co khá đẹp, vượt qua đoạn đèo trên bạn tới cổng trời Sà Phìn, đến đoạn ngã ba bạn rẽ luôn xuống dinh họ Vương chơi, sau đó quay lại ngã 3 và ngược lên cột cờ Lũng Cú (khoảng 26km). Đoạn đường từ cổng trời lên Lũng Cú vô cùng đẹp với dãy núi đá nhấp nhô như những con sóng. (Bạn cũng có thể lựa chọn đi từ Sà Phìn lên cửa khẩu Phó Bảng (7km) để thăm thị trấn cổ trên cao nguyên đá trước, sau đó quay lại Lũng Cú. Tùy thuộc vào thời gian cho phép)
Đến đoạn cột cờ Lũng Cú bạn chú ý đừng gửi xe ở bên dưới chân núi (chỗ đồn biên phòng) mà hãy phóng thắng xe lên trên cột cờ. Nếu bị ngăn đường, không cho lên, bạn có thể quay ngược xe lại đoạn ngã 3 ngay đầu đường vào chân cột cờ, ở đó có một con đường rẽ vào bản Lô Lô. Bạn đi theo lối này sẽ leo thẳng lên chân cột cờ, mua vé tham quan trên ấy để tiết kiệm thời gian và sức leo bậc thang bộ.
Rời cột cờ Lũng Cú, còn nhiều thời gian bạn có thể lang thang quanh làng Lô Lô. Rồi quay ngượcvềthị trấn Đồng Văn (đoạn này ~22km) thuê phòng, ăn tối và nghỉ ngơi
Buổi tối bạn ra thị trấn chơi, đi ăn đồ nướng đêm, uống rượu ngô hay thưởng thức cafe phố cổ.
Ngày 03: Sáng dậy ra ngay phố cổ ăn sáng, thưởng thức một số món ăn đặc trưng Hà Giang như bánh cuốn, cháo ấu tẩu,… Sau khi ăn xong, bạn trả phòng để lên đường chinh phục đèo Mã Pì Lèng. Đây là con đèo nối từ Đồng Văn tới Mèo Vạc dài khoảng 20 km. Đỉnh Mã Pì Lèng là đoạn nhìn xuống dòng sông Nho Quế. Từ đầu chí cuối con đèo, cảnh quan đâu đâu cũng đẹp. Không có một bức ảnh nào về Mã Pì Lèng có thể lột tả được hết dáng vẻ hùng vỹ của con đèo này!
Tạm biệt Mã Pì Lèng bạn tới Mèo Vạc ăn trưa. Sau khi ăn trưa, còn một chặng đường khoảng 150 – 180km nữa để về thành phố Hà Giang. Có 3đườngđể về thành phố:
Mèo Vạc – Lũng Phìn – Yên Minh – Quản Bạ – Hà Giang (lối này đi lại đường cũ)
Mèo Vạc – Lũng Phìn – Mậu Duê – Lũng Hồ – Minh Ngọc – Hà Giang
Mèo Vạc – Bảo Lâm – Bảo Lạc – Bắc Mê – Hà Giang (tôi đi đoạn đường này, nhưng tôi không về lại Hà Giang mà đi thẳng tới Cao Bằng luôn để tới thăm thác Bản Giốc. Bạn có thể tham khảo bài viết Kinh nghiệm du lịch Cao Bằng của tôi – tổng hành trình 5 ngày 4 đêm)
Về tới Hà Giang, ngủ lại thành phố 1 đêm nữa. Sáng hôm sau về Hà Nội (trả xe và bắt ô tô nếu bạn đi xe khách).
Tổng kết
Nếu đi theo đoàn đông thì tốt nhất bạn nên tìm trước thông tin và đặt phòng để tránh tình trạng hết phòng hay bị báo giá cao khi đến nơi. So với nhiều điểm du lịch miền Bắc khác, giá các dịch vụ ở Hà Giang được đánh giá là khá cao. Chính vì thế, bạn hãy hỏi giá trước và chuẩn bị sẵn sàng trước khi bắt đầu chuyến du lịch Hà Giang 3 ngày 2 đêm của mình.
Nếu đi bằng xe máy, bạn nên kiểm tra thật kỹ trước khi đi hay chuẩn bị cả một số dụng cụ sửa chữa tránh trường hợp đi lên một số đèo dốc không có quán để sửa chữa sẽ rất khó khăn cho bạn. Thêm một điều cần ghi nhớ khi đi xe máy nữa đó là không nên đi đoàn quá đông bởi sẽ không đảm bảo an toàn.
Khi đến Hà Giang, bạn không nên cho tiền trẻ em hay người dân ở đó bởi như thế sẽ tạo ra thói quen xấu. Đặc biệt nếu muốn chụp ảnh với những cánh đồng, thửa ruộng thì bạn nên có ý thức giữ gìn cũng như bảo vệ tài sản của những người nông dân nơi đây. Hãy luôn nhớ “Không lấy gì ngoài những bức ảnh và không để lại gì ngoài những dấu chân”.
Chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ!
Chia sẻ của khách hàng về Phượt Hà Giang mùa tam giác mạch