Du lịch Hoàng Su Phì: Chơi gì? ăn gì? ở đâu? Kinh nghiệm chi tiết từ A đến Z

Kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì đầy đủ nhất

Du lịch Hoàng Su Phì di chuyển thế nào, ăn gì, ở đâu, kinh phí bao nhiêu là câu hỏi của nhiều du khách. Trong nhiều năm trở lại đây, Hoàng Su Phì nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn khám phá thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, đặc biệt là ruộng bậc thang thơ mộng. Bài viết dưới đây của Du lịch Khát Vọng Việt sẽ chia sẻ với du khách kinh nghiệm khám phá Hoàng Su Phì từ A đến Z.

Giới thiệu về Hoàng Su Phì

Hoàng Su Phì là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang. Hiện nay, Hoàng Su Phì bao gồm 24 xã và 1 thị trấn, là địa bàn sinh sống của 12 dân tộc thiểu số. Trong đó, nổi bật là các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao đỏ là La Chí.

Về vị trí địa lý, Hoàng Su Phì cách thủ đô Hà Nội khoảng 400km và cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 100km về hướng Tây. Mặc dù giao thông đã được đầu tư phát triển hơn rất nhiều, nhưng để đến được các địa điểm du lịch đẹp ở Hoàng Su Phì, du khách phải vượt qua những con đèo hiểm trở và một vài cung đường khá khó đi. Tuy nhiên, đây cũng là một nét đặc trưng khi khám phá Hoàng Su Phì nói riêng hay Hà Giang nói chung.

Hoàng Su Phì - nơi gặp gỡ tuyệt vời giữa thiên nhiên và con người

Hoàng Su Phì – nơi gặp gỡ tuyệt vời giữa thiên nhiên và con người

Nằm ở vùng núi cao, Hoàng Su Phì có khí hậu khá mát mẻ kể cả vào mùa Hè. Địa hình nơi đây bị chia cắt mạng do nằm ở thượng nguồn sông Chảy, có độ dốc tương đối lớn. Điều này góp phần tạo nên một bức tranh thiên nhiên Hoàng Su Phì hùng vĩ.

Từ lâu, Hoàng Su Phì đã là một điểm đến du lịch nổi tiếng ở vùng núi phía Bắc nước ta. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng của núi rừng, khám phá những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc nơi đây. Đặc biệt, nổi bật nhất tại Hoàng Su Phì có lẽ chính là vẻ đẹp ruộng bậc thang. Không phải tự nhiên mà ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trên địa bàn 6 xã Bản Phùng, Bản Luốc, Thông Nguyên, Nậm Ty, Sán Sả Hồ, Tả Sử Choóng được công nhận là di sản quốc gia của Việt Nam. Để chiêm ngưỡng và khám phá hết vẻ đẹp của Hoàng Su Phì, du khách phải đặt chân tới đây và tự cảm nhận.

Nên du lịch Hoàng Su Phì mùa nào?

Du lịch Hoàng Su Phì bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng không khiến du khách phải thất vọng. Mỗi mùa nơi đây mang một vẻ đẹp riêng, tượng trưng cho một nét đẹp rất riêng của Hà Giang. Nếu bạn không biết nên đi Hoàng Su Phì vào mùa nào thì có thể tham khảo thêm thông tin dưới đây.

  • Mùa Xuân: Mùa Xuân là thời điểm rất đông du khách đổ về Hà Giang nói chung và Hoàng Su Phì nói riêng để chiêm ngưỡng cách sắc thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Du lịch Hoàng Su Phì có lẽ mùa Xuân là thời điểm lý tưởng. Lúc này, thời tiết Hoàng Su Phì còn lạnh, đất trời ngập trong sắc hồng, sắc trắng của hoa đào, hoa mơ, hoa mận; sắc xanh của những búp non mơn mởn vừa đâm chồi nảy lộc. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm Hoàng Su Phì diễn ra rất  nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc cho du khách khám phá và trải nghiệm.
  • Mùa Hạ: Mùa Hạ là mùa thiên nhiên Hoàng Su Phì trù phú và tươi tốt. Tới đây, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa nước đổ tầm tháng 5 – tháng 6 hàng năm.
  • Mùa Thu: Mùa thu Hoàng Su Phì từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật với bức tranh mùa lúa chín. Đây cũng là mùa du lịch hot nhất trong năm tại huyện này. Thời tiết cũng mát mẻ, dễ chịu và ít mưa. Tới đây, bạn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng hút hồn của những thửa ruộng bậc thang chín vàng, thưởng thức những món ăn đặc sản Hoàng Su Phì, tham gia vào lễ hội nhảy dù,…
  • Mùa Đông: Thời tiết Hoàng Su Phì mùa Đông rất lạnh. Ngược lại, đây lại là mùa săn mây, săn tuyết lý tưởng trên những đỉnh núi cao như Chiêu Lầu Thi hay Tây Côn Lĩnh.

Nếu là bạn, bạn sẽ chọn đến Hoàng Su Phì vào mùa nào?

>> Xem thêm:

Hướng dẫn di chuyển khi đi du lịch Hoàng Su Phì

Cung đường, cách di chuyển là câu hỏi nhiều du khách đặt ra khi đi du lịch Hoàng Su Phì. Bởi lẽ không những xa, đường đi Hoàng Su Phì còn ngoằn ngoèo khúc khuỷu với những cung đèo khó nhằn. Theo kinh nghiệm của Du lịch Khát Vọng Việt, du khách sẽ di chuyển theo 2 chặng sau.

Di chuyển đến thành phố Hà Giang

Từ Hà Nội đến thành phố Hà Giang, bạn có thể đi xe khách giường nằm. Du khách bắt xe từ bến xe Mỹ Đình và sẽ tới thành phố Hà Giang sau khoảng 5 giờ đồng hồ di chuyển. Bạn có thể tham khảo xe giường nằm thông thường hoặc xe cung điện di động của các nhà xe như Bằng Phấn, Quang Nghị, Mạnh Quân,… với mức giá từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/ người.

Vào mùa cao điểm du lịch, xe khách thường khá đông nên bạn nên đặt vé xe sớm để chắc chắn và có chỗ trên xe với mức giá hợp lý. Du khách đi Hà Giang thường đi chuyến đêm từ Hà Nội để đến Hà Giang vào sáng sớm. Sau khi đến Hà Giang thì bạn có 2 lựa chọn. Một là xuống xe tại ngã 3 Bắc Quang để chuyển xe đi Hoàng Su Phì, hai là đến thành phố Hà Giang và thuê xe máy đi Hoàng Su Phì.

Nhà xe Bằng Phấn chuyên tuyến Hà Nội - Hà Giang được nhiều du khách tin tưởng

Nhà xe Bằng Phấn chuyên tuyến Hà Nội – Hà Giang được nhiều du khách tin tưởng

Đối với tín đồ xê dịch thì bạn có thể phượt xe máy từ điểm xuất phát lên Hà Giang. Đây sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cung đường Tây Bắc. Đồng thời, đây cũng là một thử thách khi bạn cần chuẩn bị một sức khỏe, tinh thần cũng như tay lái thật vững nhé.

Di chuyển từ thành phố Hà Giang đi Hoàng Su Phì

Sau khi đến Hà Giang, du khách có thể thuê xe theo Đoàn, thuê hướng dẫn viên dẫn đoàn hoặc thuê xe máy di chuyển đến Hoàng Su Phì. Bạn sẽ di chuyển theo cung đường TP. Hà Giang – Bắc Quang – Tân Quang – Hoàng Su Phì. Đây là cung đường ngược lại hoàn toàn cung Đồng Văn – Mèo Vạc.

Trên quãng đường di chuyển từ Hà Giang lên Hoàng Su Phì, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, đem lại cảm giác tuyệt vời.

Các địa điểm tham quan hấp dẫn tại Hoàng Su Phì

Du lịch Hoàng Su Phì có gì hấp dẫn? Ruộng bậc thang, trekking những ngọn núi cao, chợ phiên,… là những trải nghiệm du khách không nên bỏ lỡ khi đặt chân tới đây.

Di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là tài nguyên du lịch quý giá của nơi đây, được công nhận là di sản cấp quốc gia bởi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đây là kết tinh giữa vẻ đẹp thiên nhiên, sự khéo léo, thông minh và sức lao động của con người. Những cánh đồng ruộng bậc thang bát ngát, hùng vĩ, thơ mộng không chỉ là một khung cảnh đẹp mà còn là niềm tự hào của người dân Hoàng Su Phì.

Hàng năm, có hai mùa đẹp nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Đó là mùa nước đổ  và mùa lúa chín. Mùa lúa chín rơi vào tháng 9 tháng 10 hàng năm là thời điểm lý tưởng nhất, cũng là thời điểm Hoàng Su Phì thu hút rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ruộng bậc thang Bản Phùng - Hoàng Su Phì

Ruộng bậc thang Bản Phùng – Hoàng Su Phì

Những thửa ruộng bậc thang chín vàng, nhưng người nông dân miệt mài trên những sườn đồi không chỉ tạo nên bức tranh sinh động cho thiên nhiên Hoàng Su Phì, mà còn là niềm cảm hứng bất tận cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín, du khách sẽ có cơ hội tham gia lễ hội dù lượn được tổ chức hoành tráng nhất trong năm.

Hiện nay, Bản Phùng, Bản Luốc, Nậm Ty hay Thông Nguyên là những nơi ngắm ruộng bậc thang đẹp nhất tại Hoàng Su Phì.

Đỉnh Chiêu Lầu Thi

Hoàng Su Phì không chỉ có ruộng bậc thang, Hoàng Su Phì còn nổi tiếng với núi non trùng điệp, hùng vĩ. Du lịch Hoàng Su Phì, du khách phải một lần chinh phục đỉnh núi Chiêu Lầu Thi huyền thoại, một trong những ngọn núi hùng vĩ bậc nhất Hà Giang nói chung và miền Bắc nói riêng.

Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi nằm ở độ cao 2.402m so với mực nước biển, thuộc xã Hồ Thầu. Tại vị trí cao nhất của ngọn núi là những phiến đá lớn tạo nên cảnh quan đặc biệt. Đây là điểm trekking, check-in nổi tiếng tại Hoàng Su Phì. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng một Hoàng Su Phì hùng vĩ từ trên cao. Vào mùa đông, đây là địa điểm săn mây lý tưởng không khác gì chốn bồng lai tiên cảnh. Trên đường chinh phục Chiêu Lầu Thi, du khách cũng được khám phá hệ sinh thái đa dạng của những khu rừng nguyên sinh lâu đời.

Chiêu Lầu Thi - một trong những ngọn núi cao nhất nước ta

Chiêu Lầu Thi – một trong những ngọn núi cao nhất nước ta

Núi Tây Côn Lĩnh

Cùng với đỉnh Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh là ngọn núi rất nhiều du khách mong muốn chinh phục trong hành trình du lịch Hoàng Su Phì của mình. Núi Tây Côn Lĩnh thuộc địa phận 2 huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì, là ngọn núi cao nhất Đông Bắc Việt Nam.

Nằm ở thượng nguồn sông Chảy, Tây Côn Lĩnh có địa hình hiểm trở, hùng vĩ và hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Có thể bạn chưa biết, Tây Côn Lĩnh được coi là dãy núi thiêng của người La Chí – một dân tộc thiểu số sinh sống tại Hoàng Su Phì.

Đến Hoàng Su Phì, du khách có thể chinh phục đỉnh núi cao nhất miền Đông Bắc Tây Côn Lĩnh

Đến Hoàng Su Phì, du khách có thể chinh phục đỉnh núi cao nhất miền Đông Bắc Tây Côn Lĩnh

Chợ phiên Hoàng Su Phì

Theo kinh  nghiệm du lịch Hoàng Su Phì thì chợ phiên là trải nghiệm du khách nhất định phải thử một lần khi đặt chân tới đây.

Chợ phiên Hoàng Su Phì họp vào ngày chủ nhật hàng tuần. Đây là nơi người dân trao đổi, buôn bán đủ loại hàng hóa trong cuộc sống hàng ngày. Không khí chợ phiên diễn ra tấp nập, vui tươi nhưng cũng không kém phần giản dị. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội giúp du khách cảm nhận được sự đa dạng, đặc sắc trong văn hóa tại Hoàng Su Phì.

Một ngày trải nghiệm chợ phiên Hoàng Su Phì, bạn có thể thưởng thức những món ăn đặc sản, mua các mặt hàng đặc sản, những mặt hàng thủ công mĩ nghệ độc đáo về làm quà.

Thôn Nậm Hồng

Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, muốn tìm về một không gian thực sự hoang sơ, giản dị thì du khách phải đặt chân đến thôn Nậm Hồng, xã Thâm Nguyên. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Dao đỏ tại Hoàng Su Phì.

Tới đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên với những thửa ruộng bậc thang, những ngọn núi, sườn đồi, vẻ đẹp của những loài hoa rừng. Ngoài ra, du khách sẽ có cơ hội khám phá và trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của người Dao đỏ.

Một Nậm Hồng thơ mộng trong nắng chiều

Một Nậm Hồng thơ mộng trong nắng chiều

Đền Suối Thầu

Du lịch Hoàng Su Phì, du khách có thể ghé thăm đền Suối Thầu. Đây là một di tích lịch sử tín ngưỡng của người dân địa phương. Nơi đây thờ các vị thần trong dân gian thần rừng, thần nông, thần đất, bà mụ, thiên lôi, ngọc hoàng,… những người phù hộ và giúp đỡ để người dân có cuộc sống bình an và những mùa màng bội thu. Đây là một điểm đến linh thiêng và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào tại Hoàng Su Phì.

Đền Vinh Quang

Bên cạnh đền Suối Thầu thì đền Vinh Quang cũng là một điểm đến cho du khách khi đi du lịch Hoàng Su Phì. Không thờ các vị thần dân gian, đền Vinh Quang thờ Hoàng Văn Đăng, cựu chánh tổng của huyện Hoàng Su Phì, là người đứng lên cầm quân chống Pháp. Khi bị giặc bắt, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng ông thà hi sinh chứ không khai ra bất cứ thông tin gì.

Hoàng Văn Đăng là một trong những biểu tượng cho con người Hoàng Su Phì dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng giàu lòng quyết tâm và ý chí cao cả, đáng nể phục.

Di tích đền Vinh Quang

Di tích đền Vinh Quang

Khu mộ cổ dân tộc La Chí

Hiện nay, trên các sườn núi của huyện Hoàng Su Phì có hàng trăm ngôi mộ cổ của đồng bào dân tộc La Chí nằm rải rác. Những ngôi mộ có kích thước 1,5 – 2,5 m trở thành điểm đến tham quan được một số du khách quan tâm.

Hơn tất cả, đây cũng là một hình thức biểu trưng cho văn hóa của đồng bào dân tộc La Chí.

Đồi hoa tam giác mạch

Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của xứ sở cao nguyên đá hoang dại. Lên Hoàng Su Phì vào thời điểm cuối thu, bạn sẽ được chìm đắm trong sắc tím biếc của những bông hoa tam giác mạch.

Trên những sườn đồi, những thửa ruộng, cạnh những con đường hay ven những ngôi nhà cũ kỹ, hàng vạn bông hoa tam giác mạch nhỏ li ti như những hạt mưa tím hiện lên ngút tầm mắt. Màu xanh của cây lá, của núi rừng, hòa quyện với sắc tím phớt nhẹ của hoa tạo thành một khung cảnh tuyệt đẹp, cho bạn cảm giác như lạc vào một câu chuyện cổ tích. Hàng năm, mỗi dịp cuối thu, tam giác mạch lại thi nhau khoe sắc như mời gọi du khách đến với Hoàng Su Phì nói riêng và Hà Giang nói chung.

Sắc tím bạt ngàn tam giác mạch tại Hà Giang

Sắc tím bạt ngàn tam giác mạch tại Hà Giang

Du lịch Hoàng Su Phì ăn gì?

Du lịch Hoàng Su Phì, du khách phải thử qua những món ăn đặc sản dưới đây.

Cơm lam

Cơm lam là đặc sản dân giã, quen thuộc trong ẩm thực miền núi phía Bắc. Đây cũng là món ăn ngon, hấp dẫn du khách khi đến với Hoàng Su Phì. Được chế biến từ những hạt gạo dẻo thơm trên thu hoạch từ chính ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cơm lam tuy đơn giản nhưng lưu lại hương vị đặc biệt, khó quên đối với du khách khi thưởng thức.

Cá chép ruộng

Ở Hoàng Su Phì, người dân thường thả cá chép nuôi trong chính những thửa ruộng bậc thang, và mùa lúa cũng là múa người dân thu hoạch cá chép. Du lịch Hoàng Su Phì, nếu ở trong các homestay, du khách sẽ được trải nghiệm tự tay đánh bắt cá, chế biến những món ăn đơn giản, dân giã và thưởng thức trong một không gian thiên nhiên tuyệt vời.

Cá chép ruộng - món ăn đặc sản dân giã tại Hoàng Su Phì

Cá chép ruộng – món ăn đặc sản dân giã tại Hoàng Su Phì

Thịt chuột

Chuột là một loài vật có nhiều ý nghĩa với dân tộc La Chí ở Hoàng Su Phì. Thịt chuột cũng là một món ăn không thể thiếu trong các lễ cúng truyền thống của người dân nơi đây. Vì vậy mà thịt chuột cũng là một món ăn đặc sản mà du khách nên thử một lần khi đến với Hoàng Su Phì.

Rượu thóc

Hà Giang không chỉ có rượu ngô mà còn có đặc sản rượu thóc Hoàng Su Phì. Rượu thóc được nấu từ thóc và men lá, cho hương vị đặc biệt thơm ngon. Rượu thóc được nấu theo công thức và quy trình truyền thống của người dân nơi đây uống xong sẽ không bị đau đầu như các loại rượu thông thường ở dưới xuôi.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là đặc sản Hoàng Su Phì được du khách thưởng thức và mua về làm quà. Từng thớ thịt trâu dai, đậm đà những vẫn giữ được hương thơm tự nhiên khiến bạn sẽ phải tấm tắc khen ngon.

Thắng cố

Chắc chắn rồi, đến Hà Giang, đặc biệt là vào mùa lạnh thì du khách không thể bỏ qua đặc sản thắng cố nổi tiếng. Những bát thắng cố nóng hổi ăn kèm với rau rừng và nhâm nhi chút rượu ngô thì còn gì tuyệt vời hơn đúng không nào.

Thắng cố

Thắng cố

Lạp xưởng hun khói

Đến với Hoàng Su Phì, du khách có thể thưởng thức mà mua đặc sản lạp xưởng hun khói về làm quà.

Lạp xưởng hun khói

Lạp xưởng hun khói

Du lịch Hoàng Su Phì ở đâu?

Bên cạnh các địa điểm tham quan, phương tiện di chuyển thì địa điểm lưu trú cũng là vấn đề được nhiều du khách quan tâm khi đi du lịch Hoàng Su Phì. Là một điểm đến hấp dẫn, nổi tiếng, các loại hình lưu trú ở Hoàng Su Phì có thể đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

Khách sạn, nhà nghỉ

Khách sạn và nhà nghỉ tại Hoàng Su Phì tập trung chủ yếu ở thị trấn Vinh Quang. Gía phòng cũng khá hợp lý với tiện nghi đầy đủ đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vào mùa cao điểm du lịch, bạn nên đặt phòng trước khi đặt chân đến Hoàng Su Phì để chắc chắn mình có một chỗ nghỉ qua đêm.

Homestay

Hình thức du lịch sinh thái cộng đồng tại Hoàng Su Phì ngày càng phát triển. Trong đó, homestay là một mắt xích quan trọng, đây cũng là hình thức lưu trú phổ biến hiện nay tại Hoàng Su Phì. Homestay tập trung ở những xã như Nậm Ty, Bản Luốc, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Bản Phùng,… Theo thời gian, chất lượng dịch vụ của homestay cũng được cải thiện và đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

Khi lưu trú tại các homestay, bạn sẽ có dịp đến gần hơn với thiên nhiên và đời sống của người dân địa phương, cho bạn những trải nghiệm hết sức mới mẻ và độc đáo.

Homestay giữ những cánh đồng ngát xanh tại Hoàng Su Phì

Homestay giữ những cánh đồng ngát xanh tại Hoàng Su Phì

Du lịch Hoàng Su Phì hết bao nhiêu tiền?

Kinh phí cho chuyến đi Hoàng Su Phì phụ thuộc vào nhu cầu chi tiêu của bạn. Nhìn chung, một chuyến đi du lịch Hoàng Su Phì sẽ cần đến:

  • Chi phí đi lại: xe khách, thuê xe máy, xăng xe.
  • Chi phí ăn uống
  • Chi phí lưu trú
  • Chi phí mua quà
  • Chi phí tham quan
  • Chi phí phát sinh.

Đối với một chuyến đi Hoàng Su Phì 3 ngày 2 đêm thì kinh phí sẽ rơi vào khoảng 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng, cũng có thể thấp hơn và cao hơn tùy thuộc vào cách cân đối chi tiêu của bạn.

Lưu ý khi đi du lịch Hoàng Su Phì

Để có một chuyến du lịch Hoàng Su Phì trọn vẹn thì bạn nên ghi nhớ một số lưu ý nhỏ sau đây:

  • Khi đi cần mang theo đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết như CCCD/CMND, bằng lái xe. Nếu tự di chuyển bằng xe máy thì bạn nên kiểm tra thật kỹ xe trước khi di chuyển, bảo dưỡng, thay đầu để có một chuyến đi an toàn nhất.
  • Trong hành trình khám phá Hoàng Su Phì bằng xe máy thì lưu ý đổ xăng dọc đường đi, mang theo túi nilon, áo mưa bộ để phòng trường hợp thời tiết xấu.
  • Mang theo trang phục phù hợp với thời tiết, ưu tiên trang phục cơ bản, dễ mặc, dễ phối đồ, dễ di chuyển.
  • Mang theo đồ ăn nhẹ, một số loại thuốc cơ bản.
  • Chuẩn bị máy ảnh, máy quay phim, pin dự phòng,….
  • Bạ có thể mang cả quần áo, sách vở và bánh kẹo để tặng cho các em nhỏ ở đây nếu muốn.
  • Chú ý an toàn và bảo toàn tài sản cá nhân trong quá trình tham quan.

Trên đây là kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì từ A đến A, đầy đủ và chi tiết dành cho du khách. Nếu bạn có bất cứ băn khoăn gì hãy thoải mái liên hệ về Du lịch Khát Vọng Việt để được đội ngũ của chúng tôi tư vấn. Chúc bạn có tour du lịch khám phá Hoàng Su Phì trọn vẹn và đáng nhớ.

VÌ SAO KHÁCH HÀNG LỰA CHỌN DU LỊCH KHÁT VỌNG VIỆT?

"Là người đam mê du lịch, với Tôi du lịch là cuộc sống, sứ mệnh của chúng Tôi là thiết kế và tổ chức những Tour du lịch có giá trị cao cho mọi khách hàng, giúp khách hàng có được những chuyến đi thực sự ý nghĩa, vui vẻ và bình an, giúp gắn kết tất cả các thành viên để mọi người hiểu nhau hơn và làm việc hiệu quả hơn"

Nguyễn Thanh Minh - CEO công ty du lịch Khát Vọng Việt.

Chia sẻ của khách hàng về Du lịch Hoàng Su Phì: Chơi gì? ăn gì? ở đâu? Kinh nghiệm chi tiết từ A đến Z

Bình luận đã đóng.