Nội dung bài viết
Tên gọi Cá Cóc
Cá cóc Tam Đảo là loài động vật đặc hữu tại vùng núi Tam Đảo, Việt Nam.
Cá cóc Tam Đảo tên khoa học là Paramesotriton deloustali, còn được gọi là tắc kè nước, sa giông bụng hoa hay cá cóc bụng hoa. Đây là loài động vật lưỡng cư đặc hữu của vùng núi Tam Đảo, Việt Nam. Nó thuộc họ cá cóc Salamandridae, bộ ếch nhái có đuôi Caudata.
Đặc điểm của loài Cá cóc
Đặc điểm nhận dạng
Nếu nhìn loài động vật này lần đầu tiên bạn có thể nhầm tưởng đây là loài bò sát nào đó, nhưng chúng không có sự liên quan nào đến bò sát cả. Cá cóc Tam Đảo có hình dạng giống với thằn lằn với thân hình dài, hơi dẹt từ trên xuống, đuôi dài dẹp bên, đuôi tròn. Trên da có nhiều mụn xù xì mọc thành dãy chạy dọc theo hai bên xuống tới đuôi tác dụng tiết chất nhầy. Đầu hơi hẹp, miệng rộng, mắt lồi có mí động.
Lưng cá có màu xám đen, bụng sặc sỡ màu đỏ với những đường xám đen nối với nhau thành mạng lưới, nên còn có tên là cá cóc bụng hoa. Chiều dài thân cá khoảng 15,3 – 18,5 cm. Phần thân trước có 2 chi nhỏ nhô ra dùng để di chuyển, thân có vây và đuôi như cá.
Con cái thường lớn hơn con đực. Vào mùa sinh sản ở con đực có một dải xanh sáng chạy hai bên mép đuôi. Mép đuôi thườn có màu đỏ da cam, nhất là phần gần hậu môn. Trong nước, cá cóc bơi chủ yếu bằng đuôi, chân áp sát vào thân mình. Khi di chuyển trên cạn, bốn chân bò khá nhanh trên mặt đất.
❤️Giới thiệu tour du lịch Hè 2022 hấp dẫn nhất hiện nay:❤️
Tour Quảng Bình 2022 | Tour Cô Tô 2022 |
Tour Cát Bà 2022 | Tour Nha Trang 2022 |
Tour Hạ Long 2022 | Tour Hải Tiến 2022 |
Sinh học, sinh thái:
Cá cóc Tam Đảo sống được cả ở dưới nước và trên cạn. Chủ yếu sống ở những con suối với độ cao trên 200 – 1000m. Chúng thường sống ở các khu vực nước nhỏ, tĩnh, dưới các tảng đá hay dưới cây gỗ mục, hoạt động và kiếm ăn vào ban ngày. Đây là loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, rất có giá trị về khoa học.
Sinh sản
Thời gian sinh sản của cá cóc thường diễn ra vào cuối đông đầu xuân (tháng 12 – tháng 4). Chúng giao phối bằng cách cuốn đuôi và ép lỗ sinh dục vào nhau. Sự thụ tinh trong không hoàn toàn diễn ra trong nước. Sau khi giao phối, cá cóc cái bò lên cạn đẻ trứng trong đám lá mục, ẩm ướt. Trong mùa sinh sản, cá cóc cái đẻ nhiều lần, cả ban ngày và ban đêm. Số lượng trứng mỗi lần đẻ là khác nhau, trung bình một ngày cá cái để khoảng 1-7 trứng, 58 – 78 trứng cho cả mùa sinh sản. Tỷ lệ nở của trứng phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường bên ngoài, thích hợp nhất là 17 – 27 độ C. Thời gian phát triển của trứng khoảng 45 – 50 ngày.. Nòng nọc sau khi nở có màu đen, mang ngoài màu đỏ hồng. Sau khoảng 2 tháng bụng cá ngả vàng và xuất hiện những mạng lưới màu đen như con trưởng thành. Ở giai đoạn tháng thứ 4 – 5 mang ngoài cá tiêu biến, cá cóc thường bò lên cạn. Chu kỳ lột xác của cá cóc Tam Đảo từ 27 – 55 ngày. Sau mỗi lần lột xác cá thường ăn xác ngay sau khi lột.
Thức ăn
Đây là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu của chúng thường là các loài thảo mộc, côn trùng, trứng ếch nhái, giun và một số loài động vật không xương khác.
Phân bố
Cá cóc Tam Đảo là loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam. Chúng được tìm thấy tại các suối trên dãy Tam Đảo nằm giữa ba tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và khu vực Ba Bể tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay mới phát hiện thêm ba quần thể cá cóc mới ở Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sín Mần (Hà Giang) và Văn Bàn (Lào Cai). Đây là loài có giá trị lớn về mặt khoa học, thẩm mỹ, làm cảnh và du lịch.
Tình trạng:
Hiện nay số lượng loài này còn rất ít và có nguy cơ tuyệt chủng. Trong các năm 1990 – 1991, số lượng suy giảm nhanh trên 50% trong 10 năm gần đây. Việc săn bắt loài này với mục đích làm thuốc, buôn bán, sưu tầm động vật quý hiếm hay một số mục đích bất chính khác đã đẩy loài này từ một quần thể đông đúc đến bên bờ vực tuyệt chủng.
Trước đây, khu vực thác nước trong khu du lịch Tam Đảo người ta có thể dễ dàng tìm thấy loài cá này, nhưng hiện này gần như không còn thấy xuất hiện. Theo lời kể của một số người dân bản địa nơi đây thì hiện nay chỉ có thể tìm thấy tại các khe suối rậm rạp sâu trong rừng.
Để bảo vệ cá cóc Tam Đảo tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng, nhà nước đã đưa loài này vào sách đỏ Việt Nam, nhóm 1B (những loài cần bảo vệ đặc biệt, nghiêm cấm khai thác, buôn bán). Bên cạnh đó việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ cũng đã được cải thiện. Với vẻ đẹp và hình thù kỳ lạ, cá cóc Tam Đảo cần được bảo vệ để mọi người có cơ hội biết đến và chiêm ngưỡng loài vật độc đáo này.
Chia sẻ của khách hàng về Cá cóc Tam Đảo