Nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang khoảng 80km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 300km, Hoàng Su Phì là một trong những điểm đến được nhắc tới nhiều nhất dịp tháng 9 tháng 10 hàng năm với vẻ đẹp bất tận của ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cùng với ruộng bậc thang Mù Cang Chải ở Tây Bắc nước ta, từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật, thơ ca, nhiếp ảnh,… Trong bài viết này, hãy cùng Du lịch Khát Vọng Việt khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì đầy đủ, chi tiết nhất nhé.
Nội dung bài viết
Đôi nét về Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì là huyện vùng cao nằm ở phía Tây của Hà Giang. Đây là một điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách với đặc sản là những thửa ruộng bậc thang nối đuôi nhau tạo nên những cánh đồng bát ngát và kỳ vĩ. Hiện nay, Hoàng Su Phì bao gồm 24 xã và 1 thị trấn, trong đó có 4 xã biên giới. Hoàng Su Phì có đến 40km đường biên giới giáp với Trung Quốc.
Huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) là địa bàn sinh sống của 12 dân tộc anh em. Trong đó chủ yếu của người Tày, Mông, Dao, La Chí,… Địa hình nổi bật tại đây là núi cao. Nhờ vậy, Hoàng Su Phì gây ấn tượng với du khách bởi nét đẹp vừa kỳ vĩ, hoang sơ, vừa thơ mộng, trữ tình. Cùng với bản sắc văn hóa, thiên nhiên chính là nguồn tài nguyên du lịch quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho Hoàng Su Phì. Mảnh đất này có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch trải nghiệm.
Giới thiệu về ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Một trong những di sản nổi bật nhất của Hà Giang chính là ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Cùng với Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì là nơi có ruộng bậc thang đẹp bậc nhất tại nước ta đã được nâng tầm di sản.
Ở Việt Nam, ruộng bậc thang không còn là một khái niệm xa lạ. Tại những vùng núi cao, đây là hình thức canh tác của người dân để phù hợp với điều kiện tự nhiên. Chính điều này đã tạo lên những cánh đồng với “kiến trúc” vô cùng độc đáo và bắt mắt.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tập trung chủ yếu ở 6/24 xã bao gồm Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu , Nậm Ty và Thông Nguyên. Những thửa ruộng bậc thang dựa mình vào lưng đồi không chỉ tạo nên một bức tranh thiên nhiên độc đáo mà còn chính là bức tranh ngợi ca vẻ đẹp, sự thông minh, sức lao động của những con người trên nẻo vùng cao Tây Bắc. Với giá trị và bản sắc của mình, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia từ năm 2012.
Hiện nay, đây là tài nguyên du lịch, là điểm đến vô cùng hấp dẫn mỗi mùa lúa chín hàng năm với du khách trong và ngoài nước. Nếu muốn ngắm ruộng bậc thang đẹp nhất thì Hoàng Su Phì (Hà Giang) sẽ là điểm đến không thể bỏ qua.
Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì mỗi mùa đều mang một vẻ đẹp rất riêng, rất đặc trưng. Xuân, Hạ, Thu, Đông – mùa nào cũng là thời điểm lý tưởng để đến với mảnh đất thân thương này. Tuy nhiên, để đến Hoàng Su Phì ngắm ruộng bậc thang thì có hai thời điểm phù hợp nhất trong năm là mùa nước đổ và mùa lúa chín.
Mùa nước đổ
Mùa nước đổ ở Hoàng Su Phì rơi vào thời gian tháng 5 – tháng 6. Đây là thời điểm người nông dân lấy nước vào đồng ruộng để chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì thời gian này hiện lên với vẻ đẹp thơ mộng, dịu dàng. Từng thửa ruộng lấy đầy nước ánh sáng lên dưới nắng hè tạo nên một khung cảnh hết sức nên thơ.
Hoàng Su Phì mùa nước đổ sẽ là nơi cho bạn những tấm hình check-in đẹp long lanh.
Mùa lúa chín
Mùa lúa chín chính là thời điểm Hoàng Su Phì thu hút đông khách du lịch nhất trong năm. Tháng 9 – tháng 10 hàng năm là lúc từng cánh đồng ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì đồng loạt đổ vàng. Sắc xanh của thời thu, sắc vàng của lúa chín, vẻ đẹp của những ngọn núi, sườn đồi tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời.
Đến thăm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào mùa này, du khách có dịp tận hưởng hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ những hạt ngọc trời, được tham gia vào những lễ hội du lịch đặc sắc. Đồng thời, đây chính là nguồn cảm hứng cho những bộ ảnh check-in “để đời” của bạn.
Hướng dẫn di chuyển đến Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì cách thành phố Hà Nội khoảng hơn 300km di chuyển. So với cung đường TP Hà Giang – Đồng Văn ở phía Đông, đường đi Hoàng Su Phì khó khăn và gập ghềnh hơn. Nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, cung đường Hoàng Su Phì ngược hẳn lại so với cung đường Đồng Văn – Mèo Vạc.
Đầu tiên, du khách sẽ di chuyển từ Hà Nội lên Hà Giang bằng xe khách giường nằm. Bạn có thể tham khảo xe của một số nhà xe nổi tiếng như Bằng Phấn, Quang Nghị, Mạnh Quân,… Giá vé từ 250.000 – 350.000 đồng/ người/ lượt. Để có trải nghiệm thoải mái nhất thì du khách có thể lựa chọn đi xe cung điện di động có cabin riêng. Giá vé là 275.000 đồng/ người với cabin đôi và 350.000 đồng/ người với cabin đơn.
Sau khi đến thành phố Hà Giang, du khách sẽ thuê xe máy để di chuyển đến Hoàng Su Phì theo cung đường TP. Hà Giang – Bắc Quang – Tân Quang – Hoàng Su Phì. Giá thuê xe máy là khoảng 200.000 đồng/ ngày/xe. Bên cạnh đó thì bạn cũng có thể xuống từ ngã 3 Bắc Quang để chuyển tuyến xe khách lên Hoàng Su Phì. Khám phá Hoàng Su Phì bằng xe máy sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời khi bạn được chiêm ngưỡng tận mắt trọn vẹn nhất vẻ đẹp của những cung đường Tây Bắc.
Tuy nhiên, cung đường Hoàng Su Phì khó đi hơn so với cung đường phía Đông Hà Giang. Bạn cần chuẩn bị sức khỏe, tinh thần và phải có tay lái thật cứng để trải nghiệm một cách an toàn nhất bằng xe máy nhé.
Những điểm ngắm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đẹp nhất
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì thì đã quá nổi tiếng với sự hùng vĩ và thơ mộng. Vậy tới Hoàng Su Phì mùa lúa chín thì ngắm ruộng bậc thang ở đâu? Bản Phùng, Nậm Ty hay Thông Nguyên chính là những địa điểm có ruộng bậc thang đẹp nhất Hoàng Su Phì.
Bản Phùng
Bản Phùng là ngắm lúa chín đẹp bậc nhất tại Hoàng Su Phì cũng là điểm đến được rất nhiều du khách biết tới. Từ cái tên ta đã thấy được sự giản dị mà vô cùng độc đáo. Theo người địa phương thì “phùng” trong bản phùng chính là “tương phùng”, là “gặp gỡ”. Vì vậy mà bản Phùng được ví như nơi gặp gỡ giữa đất trời, thiên nhiên, văn hóa và con người.
Đây cũng có thể là nơi bắt đầu cho những mối lương duyên cho người dân địa phương.
Xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì có diện tích khoảng 17km2. Những thửa ruộng bậc thang tưởng như không có một trật tự sắp xếp nào lại tạo nên một khung cảnh vô cùng tuyệt vời và nên thơ, làm say đắm lòng người. Đặc biệt là vào mùa lúa chín tháng 9 – tháng 10 hàng năm.
Sẽ thật tuyệt vời khi được chiêm ngưỡng một Bản Phùng ngập trong sắc vàng từ trên cao. Muốn vậy, bạn có thể thuê một homestay ở vị trí thật cao, từ lưng đồi nhìn xuống. Không chỉ có thiên nhiên, mà nét đẹp lao động của những người dân đồng bào Dao, đồng bào La Chí ở bản Phùng cũng đủ khiến lòng người cảm thấy xao xuyến và tự hào.
Không gian thiên nhiên, đất trời và con người hòa vào làm một tạo nên một bức tranh sinh động của cuộc sống. Đến rồi mới thấy, ruộng bậc thang Bản Phùng hay Hoàng Su Phì xứng đáng là di tích quốc gia.
Bản Luốc
Cùng với Bản Phùng, Bản Luốc là một trong những nơi ngắm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đẹp nhất. Những thửa ruộng bậc thang chạy khắp các sườn đồi, các triền núi, lan ra các thung thũng tạo nên một bức tranh thật hùng vĩ, hòa vào bản hùng ca của thiên nhiên và núi rừng Tây Bắc. .
Với diện tích khoảng 160ha ruộng bậc thang, mỗi mùa lúa chín, Bản Luốc hóa một tấm thảm vàng rực rỡ. Điểm tô lên bức tranh đó là những ngôi nhà gỗ đỏ của người dân địa phương. Ruộng bậc thang Bản Luốc vẫn còn giữ nét đẹp hết sức mộc mạc và hoang sơ.
Đến với Bản Luốc, không chỉ được ngắm ruộng bậc thang, du khách còn được trải nghiệm những món ăn đặc sản, khám phá văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống tại đây. Thiên nhiên chính là động lực quan trọng để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, nghỉ dưỡng, homestay để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân Bản Luốc.
Thông Nguyên
Thông Nguyên là nơi hội tụ của 3 con suối lớn Phìn Hồ, Nậm Ông và Nậm Khòa tạo nên một bình nguyên rộng lớn. Có núi, có sông suối nên Thông Nguyên được mệnh danh là mảnh đất trù phú ở Hoàng Su Phì và là một trong những nơi có ruộng bậc thang tuyệt đẹp.
Vào mùa lúa chín, du khách được thỏa sức khám phá, chụp ảnh trên những cánh đồng ruộng bậc thang vàng óng ả, sinh động.
Nậm Ty
Cùng với Bản Phùng, bản Luốc hay Thông Nguyên, Nậm Ty là điểm đến tuyệt vời nếu bạn muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín. Nậm Ty sát với Thông Nguyên, nhưng ít được du khách ghé thăm hơn các điểm đến con lại. Có lẽ vì vậy là nơi đây mang một vẻ đẹp gì đó còn hoang sơ và yên bình hơn.
>> Xem thêm:
Đi Hoàng Su Phì ngắm lúa chín lưu trú ở đâu?
Hoàng Su Phì là một điểm đến hấp dẫn nên các hình thức lưu trú ở đây đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, hình thức lưu trú chủ yếu vẫn là homestay và Bản Phùng, Bản Luốc, Thông Nguyên chính là những điểm được đông đảo du khách lựa chọn nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do đây là vị trí đắc địa có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín đẹp nhất, gần nhất.
Homestay Hoàng Su Phì khá đa dạng, mức giá trung bình khoảng 150.000 đồng/ người/ đêm. Ngoài ra, sẽ có những homestay cao cấp với mức giá cao hơn. Các homestay được xây dựng từ chính nhà dân, đa số được quản lý bởi chính người dân địa phương. Mặc dù vậy, các tiện nghi đều khá đầy đủ, chủ homestay thì rất thân thiết đem đến cảm giác hài lòng cho du khách.
Đến Hoàng Su Phì là lưu trú tại homestay, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn ngon do chính chủ nhà nấu, thậm chí có thể cùng tham gia vào quá trình chế biến. Ngoài ra, du khách sẽ được trò chuyện và tìm hiểu về văn hóa, về những câu chuyện đời sống hết sức giản dị của người dân địa phương.
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm thì có thể tham khảo một số homestay Hoàng Su Phì như: Hào Thu Homestay, Kinh Homestay, Tạ Quyên Homestay, Panhou Homestay (Thông Nguyên), La Chí Phong Homestay, Chí Tài homestay (Bản Phùng),…
Đi Hoàng Su Phì ăn gì?
Mùa lúa chín trên ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cũng là thời điểm miền Bắc bắt đầu lạnh. Du khách đến với Hoàng Su Phì mùa này nhất định không được bỏ qua những đặc sản sau đây.
Thắng cố
Thắng cố là món ăn đặc sản nổi tiếng của Tây Bắc. Đây là món ăn truyền thống của người Mông với sự kết hợp độc đáo của nguyên liệu và 27 loại gia vị đặc trưng. Đến thăm Hoàng Su Phì mùa lúa chín, còn gì tuyệt vời hơn được thưởng thức thắng cố nóng hổi cùng vài cút rượu ngô, quây quần bên mâm cơm ấm cùng và nói về những câu chuyện đời sống thường nhật.
Thắng dền
Thắng Dền cũng là đặc sản nổi tiếng nên thưởng thức khi tới Hà Giang. Đây là món ăn được làm từ gạo nếp của người Yên Minh, nói đúng hơn thì là một món ăn vặt được nhiều du khách biết đến và thưởng thức.
Chè Shan Tuyết
Nếu chè Shan Tuyết Suối Giàng đã quá nổi tiếng từ lâu thì ở Hoàng Su Phì Hà Giang, đây cũng là một đặc sản du khách không nên bỏ lỡ tại vùng núi cao này. Chè shan tuyết cổ thụ sinh trưởng và phát triển trên vùng núi cao, khí hậu mát mẻ mang đến hương vị đặc biệt khi thưởng thức.
Để cho ra những tách chè shan tuyết đặc biệt đến thế, từng búp trà được thu hoạch, chế biến tỉ mỉ. Đối với du khách tới Hà Giang nói chung và Hoàng Su Phì nói riêng, chè shan tuyết là thức quà, cũng là món quà được yêu thích.
Thịt trâu gác bếp
Đi ngắm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín, du khách đừng quên thưởng thức món thịt trâu gác bếp nổi tiếng Tây Bắc. Thịt trâu gác bếp Hà Giang được chế biến từ loại thịt được tuyển chọn kỹ càng, tẩm ướp gia vị đặc trưng cho vị thịt vừa ngọt, vừa dai, vừa thơm. Đây cũng là món quà được nhiều du khách lựa chọn mua về dưới xuôi.
Lẩu gà đen
Lẩu gà đen là món ăn du khách nhất định phải thử khi đến Hoàng Su Phì. Lẩu gà đen thường được thưởng thức vào bữa tối ngay tại homestay. Nồi lẩu nóng hổi, thơm lừng do chính người dân bản địa chế biến với hương vị đặc trưng của Tây Bắc sẽ khiến du khách phải tấm tắc khen ngon.
Hoàng Su Phì – không chỉ có ruộng bậc thang
Nhắc đến Hà Giang, bên cạnh cao nguyên đá Đồng Văn, Mã Pì Lèng, sông Nho Quế thì Hoàng Su Phì hiển nhiên là địa danh nổi tiếng. Thế nhưng Hoàng Su Phì không chỉ có ruộng bậc thang, nơi đây còn có những địa danh, những phong cảnh tuyệt đẹp đến say mê. Đó là gì? Hãy cùng chúng mình điểm qua nhé.
Hoa tam giác mạch
Rất nhiều du khách đến Hà Giang vì hoa tam giác mạch. Đây là loài hoa đặc trưng tại quê hương của cao nguyên đá. Hoa tam giác mạch nở rộ vào khoảng tháng 10 – tháng 11 hàng năm đem lại vẻ đẹp vô cùng dịu dàng và thơ mộng, đan xen một chút hoang dại của núi rừng Tây Bắc.
Cùng thời điểm lúa chín rộ của Hoàng Su Phì cũng là lúc tam giác mạch bắt đầu nở. Những ngọn đồi phủ đầy sắc tím tam giác mạch trở thành điểm check-in thu hút đông đảo du khách.
Đỉnh Chiêu Lầu Thi
Chiêu Lầu Thi là một trong những ngọn núi cao nhất Tây Bắc là được mệnh danh là nóc nhà của Hoàng Su Phì. Chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi là mục tiêu của nhiều du khách khi đặt chân tới đây. Không cao như Tây Côn Lĩnh nhưng vẻ đẹp của Hoàng Su Phì nhìn từ đỉnh Chiêu Lầu Thi đã đủ khiến du khách cảm thấy hài lòng. Đây còn là địa điểm cắm trại, trekking và săn mây lý tưởng.
Đỉnh Chiêu Lầu Thi cách trung tâm Hoàng Su Phì khoảng 40km, đường đi tới đây đã được cải thiện so với nhiều năm trước nhưng cũng là một thách thức đối với các phượt thủ. Nhưng vượt qua chặng đường này rồi thì thành quả sẽ không khiến bạn phải thất vọng.
Tây Côn Lĩnh
Tây Côn Lĩnh là ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc với độ cao 2419m. Nơi đây được coi là ngọn núi linh thiêng của đồng bào dân tộc La Chí, với cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng. Đến Hoàng Su Phì nếu thời gian thì du khách có thể chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ này.
Chợ phiên Tây Bắc
Chợ phiên là một nét văn hóa đặc trưng của Tây Bắc. Đây không chỉ là nơi buôn bán, giao thương mà còn là nơi thể hiện đời sống văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng của người dân địa phương. Hoàng Su Phì là địa bàn sinh sống của 12 dân tộc anh em. Vì vậy, đến với chợ phiên Hoàng Su Phì, du khách sẽ được thưởng thức đặc sản, mua các loại hàng thủ công và tìm hiểu về văn hóa của rất nhiều dân tộc.
Hình ảnh chợ phiên đông vui, tấp nập với màu sắc đa dạng, rực rỡ chắc hẳn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn, đặc biệt là ấn tượng về người dân Hà Giang cởi mở, hiếu khách, giản dị, chân chất.
Lưu ý khi đi ngắm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Nếu bạn đang có kế hoạch khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào tháng 9, tháng 10 này thì hãy ghi nhớ một vài lưu ý nho nhỏ dưới đây:
- Mùa lúa chín là mùa cao điểm du lịch Hoàng Su Phì, rất đông du khách từ mọi miền tổ quốc đổ về đây nên bạn hãy lên lịch, đặt vé xe và vé phòng sớm để tránh tình trạng hết phòng hay bị đội giá lên cao.
- Khi đi mang theo giấy tờ tùy thân, bằng lái xe và tiền để chi tiêu.
- Thời tiết Hà Giang và vào tháng 9, tháng 10 đã se lạnh nên hãy chuẩn bị quần áo thật đầy đủ trước khi đi nhé.
- Để thuận tiện cho quá trình di chuyển, tham quan thì hãy chuẩn bị một đôi giày thể thao đủ tốt.
- Mang theo một số loại thuốc cơ bản, thuốc chống côn trùng nếu cần thiết.
- Đường Hoàng Su Phì hiểm trở, khó đi, đổ đèo nhiều nên du khách cần rất cẩn thận khi di chuyển bằng xe máy, nếu tay lái không chắc thì bạn không nên cầm lái. Trong quá trình khám phá bằng xe máy, hãy chú ý việc đổ xăng, mang theo túi nilon để đồ, áo mưa để phòng những trường hợp bất thường của thời tiết.
Trên đây là những thông tin hữu ích và kinh nghiệm khám phá ruộng bậc thang Hoàng Su Phì – di tích quốc gia ở khu vực phía Tây Hà Giang. Chắc chắn vẻ đẹp kỳ vĩ, thơ mộng của những thửa ruộng bậc thang óng ả sẽ không khiến bạn thất vọng khi đặt chân tới đây. Mùa lúa chín đang đến gần, còn chần chờ gì mà không xách ba lô lên và đi thôi nào. Chúc bạn có một hành trình trọn vẹn, đáng nhớ về miền danh thắng phía Bắc của tổ quốc.
Chia sẻ của khách hàng về Khám phá ruộng bậc thang Hoàng Su Phì – bức tranh kỳ vĩ, sinh động của thiên nhiên và con người