Người Dao nói riêng và các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc nói chung vẫn giữ nguyên vẹn nếp sinh hoạt, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhắc đến những giá trị văn hóa của người Dao người ta sẽ nhớ ngay đến một nghi lễ thiêng liêng, truyền thống không thể thiếu đó chính là Lễ Cấp Sắc. Vậy nghi lễ này có gì đặc biệt, hãy cùng du lịch Khát Vọng Việt tìm hiểu trong tour du lịch Hà Giang nhé.
Vài nét về Lễ Cấp Sắc của người Dao
Nghi lễ Cấp Sắc hay còn gọi là lễ lập tịch của người Dao là nghi lễ quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của mỗi người con trai dân tộc Dao. Người đàn ông cao tuổi mà chưa trải qua lễ cấp sắc thì cũng bị coi như chưa trưởng thành, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm. Ngược lại, những người đàn ông dù còn ít tuổi nhưng nếu đã trải qua lễ cấp sắc sẽ được coi là người trưởng thành, được phép tham dự các công việc của làng bản, dòng họ,…
Người Dao chia thành nhiều nhóm địa phương như Dao Đỏ, Dao Quần chẹt, Dao Tiền, Dao Quần trắng, Dao Thanh Y, Dao Làn Tẻn. Mỗi nhóm người Dao đều có nghi thức và nội dung tổ chức lễ cấp sắc khác nhau nhưng đều mang một ý nghĩa chung là lễ trưởng thành cho người đàn ông trong gia đình.
Theo tiếng địa phương của người Dao thì cấp sắc được gọi là quá tang hay quá tăng. Quá tang nghĩa là trải qua lễ soi đèn. Trong các gia đình người Dao thì người con trai được chăm sóc rất chu đáo và nghiêm khắc. Từ 10 tuổi trở lên có thể làm lễ Cấp Sắc, lúc này người con trai phải cố gắng hơn rất nhiều, có trách nhiệm với gia đình, dòng họ, bản làng. Lễ Cấp Sắc thường được tổ chức vào tháng 11, 12 hoặc tháng Giêng hằng năm vì đây là thời điểm nhàn rỗi.
Lễ Cấp Sắc của người Dao có 3 cấp: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Lễ cấp 3 đèn và 7 đèn chỉ tổ chức ở phạm vi dòng họ chung tổ tiên thì lễ cấp 12 đèn có thể có nhiều dòng họ cùng tổ chức. Trong những ngày làm lễ thì thầy và trò đều phải kiêng ăn thịt và đồ mỡ. Lễ cấp sắc của người Dao đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2017.
>> Xem thêm:
- Lễ hội Gầu Tào – nét độc đáo trong văn hóa người Mông
- Lễ hội Lồng Tồng – nét đặc sắc trong văn hóa vùng cao
Nghi lễ Cấp Sắc được tiến hành như thế nào?
Lễ Cấp Sắc được thực hiện theo một số nghi lễ: lễ nhận thầy, lập ban thờ mới, mời thần linh, lễ cấp đèn, lễ đặt tên, lễ dạy làm thầy, truyền phép. Tham gia lễ cấp sắc gồm có: người được cấp sắc, 2 thầy cúng chính, 1 thầy cúng phụ, 3 người đọc thơ, 3 nam 3 nữ thanh niên hát, họ hàng nội ngoại người được cấp sắc, người giúp việc cho buổi lễ và dân trong bản. Riêng đối với người Dao Tiền thì trước ngày làm lễ thì người con trai phải ở với bố, không được tiếp xúc với mẹ 3 ngày.
Đối với lễ nhận thầy cả và thầy hai thì trước ngày làm lễ 7 ngày, người được cấp sắc cùng bố tới nhà hai thầy, khi đi mang gói muối đặt lên bàn thờ để làm lễ bái thầy. Khi đi làm lễ Cấp Sắc, thầy cúng sẽ thắp hương xin phép tổ tiên nhà mình xin đưa thần linh đến nhà người thụ lễ để làm lễ cấp sắc. Hai thầy cúng sẽ mang theo tranh Tam Thanh, tranh múa, bộ âm dương, gậy ma, trang phục thầy cúng và ba hát nữ đi cùng. Khi đến nhà người được cấp sắc, thầy lập bàn thờ mới trong nhà cạnh với bàn thờ tổ tiên. Phía trên của bàn thờ tổ tiên được treo tranh Tam Thanh và tranh múa của hai thầy.
Sau khi các công đoạn chuẩn bị hoàn tất, thầy cúng sẽ làm lễ tại bàn thờ tổ tiên thông báo việc đến làm lễ và xin âm dương cho phép tiến hành lễ cấp sắc. Hai thầy làm lễ đuổi đi những cái xấu, mời rượu thần linh, chia tiền vàng để cảm tạ thần linh sau đó cùng nhau múa xòe để mừng lễ cấp sắc. Tiếp theo là lễ cấp đèn, cấp hương cho người được cấp sắc. Thầy cả đứng trước bàn thờ tổ tiên thờ tổ tiên xin được lấy tên cho người được cấp sắc sau đó thực hiện nghi lễ truyền nghề để học trò sau này có thể xem bói. Tiếp theo nghi lễ là múa tống thần đất thần rừng, cúng thần linh cầu lộc cầu tài cho người được cấp sắc, lễ nhảy đồng, cúng cầu may mắn, đọc thơ ca truyện cổ, hát Páo dung và lễ xóa những kiêng kị tống đại thần ra về.
>> Gợi ý lịch trình khám phá Hà Giang cho bạn:
Lễ hội Cấp Sắc của người Dao là nghi lễ truyền thống, được lưu truyền trong cộng đồng người Dao. Lễ cấp sắc giúp người dân hiểu thêm về lịch sử, cội nguồn từ đó nâng cao ý thức bảo vệ phong tục tập quán của người Dao. Lễ cấp sắc của người Dao là một kho tàng mang tính giáo dục lớn, tạo nên lòng tự hào dân tộc, mang tính răn dạy rất lớn. Chính vì vậy ngày nay lễ cấp sắc đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Dao nói riêng và của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc nói chung.
Chia sẻ của khách hàng về Lễ hội Cấp Sắc – nghi lễ thiêng liêng của người Dao