Tam Đảo được biết đến là một dãy núi đá nằm ở vùng Đông Bắc nước ta, nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Gọi là Tam Đảo vì nơi đây có ba ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn,Thiên Thị, Phù Nghĩa. Tại đây, có một ngọn núi là Thiên Nhị vì ở sát chân núi là có một nhà thờ đá cổ.
Bài viết dưới đây, du lịch Khát Vọng Việt giới thiệu đến các bạn một điểm đến không thể bỏ qua khi tới Tam Đảo đó chính là nhà thờ đá Tam Đảo. Nhà thờ đá Tam Đảo như một biểu tượng cổ kính, thiêng liêng nằm trên triền núi cao tại trung tâm thị trấn Tam Đảo. Chính vì vậy, đứng ở bất kì vị trí nào tại thị trấn Tam Đảo du khách cũng có thể chiêm ngưỡng được toàn cảnh của nhà thờ. Nếu sương sớm, mây mù là “đặc sản” của thị trấn trên cao 1000m này thì nhà thờ đá là một trong những di tích thắng cảnh du khách nhất định phải dừng chân nếu đến Tam Đảo.
Lịch sử nhà thờ đá cổ Tam Đảo
Năm 1902, khi phát hiện thung lũng hình lòng chảo rộng 253 ha thuộc dãy núi Tam Đảo ở độ cao 900 m so với mực nước biển, nơi chỉ cách Hà Nội chừng 80km với địa hình đồi núi, khí hậu mát mẻ dễ chịu luân chuyển 4 mùa trong một ngày, người Pháp đã có ngay ý định xây dựng nơi đây thành khu nghỉ dưỡng cho các quan chức Pháp tại Việt Nam.
Trong một thời gian ngắn người Pháp đầu tư xây dựng, Tam Đảo trở thành khu nghỉ dưỡng với 163 ngôi biệt thự nguy nga cùng với những khu vui chơi giải trí như sân thể thao, sàn nhảy, hồ bơi, nhà thờ…được thiết kế theo phong cách kiến trúc Châu Âu thế kỉ XIX. Điển hình trong đó phải kể đến ngôi thánh đường bằng đá với ngôi tháp chuông cao vút mà đứng ở đâu tại thung lũng đều có thể nhìn thấy. Chính vì lẽ đó, Tam Đảo được xem là “Đà Lạt ở xứ Bắc” hay “hòn ngọc Đông Dương” mà người Pháp tạo thành. Tuy nhiên, qua chiến tranh những công trình này lần lượt bị tàn phá, một số chỉ còn lại vẻ trơ trọi, hoang tàn chỉ riêng nhà thờ cổ Tam Đảo còn tồn tại cho đến ngày nay.
Nhà thờ Tam Đảo được xây dựng từ năm 1906 đến năm 1912, bên con đường dẫn lên đỉnh núi Thiên Nhị. Lúc đầu, người Pháp chỉ dựng mô hình nhà sàn lợp lá, đến năm 1937 nhà thờ chính thức được xây dựng lại kiên cố bằng đá và tồn tại cho đến ngày nay. Đây là một trong bốn ngôi nhà thờ đá nổi tiếng ở Việt Nam, cùng với nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), nhà thờ đá SaPa (Lào Cai) và nhà thờ đá Nha Trang (Khánh Hòa).
Xem thêm:
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, rồi người Nhật đầu hàng phe Đồng Minh, tiếp đến những bại binh Pháp từ Trung Quốc trở lại Việt Nam….Với bao nhiêu biến cố thăng trầm, nhất là từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Tam Đảo trở nên hoang vắng và đi vào quên lãng. Từ chính sách “tiêu thổ kháng chiến” của cách mạng Việt Nam, nhân dân đã di tản khỏi thị trấn, mọi biệt thự đều bị phá hủy, riêng nhà thờ được Bác Hồ chỉ thị giữ nguyên vẹn, không được xâm phạm vào tín ngưỡng của dân…vô hình chung đã trở thành nhân chứng của lịch sử, ghi dấu một thời người Pháp
Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, có lẽ do số giáo dân đã sơ tán hết và thực tế nhà thờ đã phải ngưng hoạt động trong một thời gian dài, bên cạnh hệ quả của việc “tiêu thố kháng chiến” khiến cho Tam Đảo không còn một cơ sở vật chất nào sử dụng được, từ đó nhà thờ Tam Đảo đã được trưng dụng cho nhiều mục đích khác với việc thờ phượng. Ngày 8-8-2008, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định hoàn trả nhà thờ Tam Đảo cho chủ sở hữu là Giáo phận Bắc Ninh. Và Đức cha giáo phận Bắc Ninh đã cử hành làm phép lại cho nhà thờ, khởi công trùng tu, đặt tên cho nhà thờ là “Nữ vương Hòa Bình” với niềm mong mỏi Đức Mẹ Maria- Nữ vương hòa bình sẽ giữ gìn con cái Mẹ và dân tộc Việt Nam luôn được sống trong an bình, hạnh phúc. Đến ngày 2-9-2008, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh cùng 12 Linh mục đã long trọng dâng thánh lễ tạ ơn và cung hiến ngôi thánh đường, trước sự hiện diện của hơn 2.000 giáo dân và khách du lịch. Vị Chủ chăn Giáo phận cũng ước mong nhà thờ đá cổ Tam Đảo sẽ trở thành điểm tĩnh tâm, hành hương không chỉ của giáo dân trong Giáo phận mà còn cả du khách trong và ngoài nước.
Để hoàn thành tâm nguyện của vị Chủ chăn, Giáo sứ Vĩnh Yên bên cạnh việc vận động các nhà hảo tâm ủng hộ trùng tu ngôi thánh đường được xây dựng từ 70 năm trước đã bị xuống cấp qua thời gian, còn nghĩ đến việc xây dựng nhà lưu trú cho khách hành hương và tĩnh tâm. Năm 2014, một nhà khách bề thế đã được phép xây dựng tại khu đất của nhà xứ Tam Đảo xưa ở phía sau. Sau gần 3 năm xây dựng, ngày 8-8-2016 nhân dịp kỉ niệm 8 năm nhà thờ Tam Đảo được trả lại công năng phụng tự, Giáo phận Bắc Ninh và Giáo xứ Vĩnh Yên đã long trọng tổ chức thánh lễ tạ ơn và khánh thành nhà khách “Nữ vương hòa bình”, được đặt tên theo tước hiệu của nhà thờ Tam Đảo.
Kiến trúc nhà thờ đá cổ Tam Đảo
Về mặt kiến trúc, nhà thờ Tam Đảo được xây dựng bằng đá trên một triền đất cao theo mô hình kiến trúc Gothic. Dựa vào thế đất bên triền đồi, người ta đã san lấp tạo ra một mặt bằng lớn nằm cạnh và cao hơn mặt đường đến 10m, bao quanh là bức tường bằng đá vững chắc. Từ mặt đường tại hai góc đường, bố trí hai cầu thang khá tinh tế và mỹ thuật, với những bậc đá dẫn lên mặt tiền và mặt gậu nhà thờ ở phía trên.
Để tạo sự thông thoáng và chia bớt áp lực cho khả năng chịu lực của công trình, ngôi nhà thờ đã được bố trí sâu về phía trong, trước mặt và bên hông trái chừa ra một khoảng sân khá rộng. Ở phần sâu bên hông nhà thờ, người ta đã cho xay dựng những ô vòm rộng lớn cũng bằng đá, vừa như tường rào tạo sự an toàn, đồng thời cũng tạo cho ngôi thánh đường một không gian ấm cúng tách biệt với thế giới bên ngoài. Từ khoảng sân này, du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cảnh thung lũng thị trấn Tam Đảo với những ngôi biệt thự và công trình dân dụng hiện ra mờ ảo trong màn sương…
Nhà thờ cổ có hai tầng với tầng nền cao 10m. Tầng dưới của tòa nhà rộng rãi, có nhiều lối đi bên cạnh mặt đường lớn, ở hai bên sườn nhà với những bậc đá dẫn lên tầng trên. Lên tầng 2 sẽ có một khoảng sân rộng có thể chứa được 100 người đứng hóng mát hoặc cầu nguyện mỗi khi hoàng hôn về. Bên trong nền tầng 2 có một tòa thánh đường rộng 286m2 (dài 26m, rộng 11m), mái lợp ngói Hưng Ký cỡ lớn, được xây dựng từ năm 1937 để giáo dân xứ Tam Đảo làm lễ cầu kinh. Bên trong không sử dụng các hàng cột như thường thấy, những ô cửa vòm hai bên vách được trang trí bằng kính màu theo nghệ thuật Mosaic, trình bày các ảnh thánh hay sự tích liên quan đến cuộc đời Chúa Giê-su. Nối với mặt tiền nhà thờ về phía sân là một tháp chuông hình trụ vuông 2 tầng cao 18m được xây toàn bằng đá, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, trên cùng có đắp hai mái ngói cùng chiều với mái nhà thờ. Tại tầng trên tháp chuông, các mặt được trang trí bằng những ô gạch hoa màu đỏ, ở giữa nổi bật cây thánh giá…
Với những nét đặc trưng quý hiếm đó, nhà thờ đá cổ là một điểm tham quan lý thú thu hút bất cứ khách du lịch nào khi đến nghỉ ngơi tại Tam Đảo. Đến viếng nhà thờ bất kì thời điểm nào trong ngày, du khách cũng đều thấy vẻ đẹp của nó, mỗi tiết trời một vẻ đẹp khác nhau. Buổi sáng tiết trời se lạnh với sương mù vây quanh. Buổi trưa trời hanh heo nhưng gió núi thổi lùa tạo cảm giác dễ chịu. Buổi chiều lâng man mát với mùa thu lãng mạn. Buổi tối sương giăng dầy đặc, lạnh giá.
Ngày nay, khi đặt chân đến mảnh đất Tam Đảo, sẽ thật là thiếu sót nếu du khách không ghé thăm nhà thờ đá Tam Đảo- một công trình kiến trúc chứng nhân lịch sử, minh chứng cho một gia đoạn huy hoàng của Tam Đảo.
Chia sẻ của khách hàng về Nhà thờ đá Tam Đảo- tuyệt tác của đá bền vững với thời gian